Chỉ thí điểm với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi
Về phạm vi điều chỉnh, ông Tiến cho biết, dự thảo Nghị quyết xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử .
Ngoài ra, phạm vi cũng chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, bao gồm:
Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý;
Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa;
Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng;
Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng;
Tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Ông Tiến nhấn mạnh, trong từng biện pháp đều quy định rõ nội dung, điều kiện áp dụng, thẩm quyền và đối tượng. Riêng với biện pháp 5 còn quy định rõ thời hạn áp dụng.
Cụ thể, đối với 4 biện pháp đầu tiên kể trên, dự thảo Nghị quyết quy định nhất quán, xuyên suốt, chỉ áp dụng khi có đủ cả 5 điều kiện (thiếu 1 điều kiện thì không được áp dụng):
Chỉ áp dụng đối với nhóm vật chứng, tài sản là: “ tiền, bất động sản , tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” vì có giá trị lớn, phổ biến trong các vụ việc, vụ án.
Đồng thời, việc áp dụng phải có sự đồng ý, chủ động đề nghị của những người liên quan, bảo đảm quyền tài sản của họ, hạn chế tối đa việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đòi bồi thường.
Trước khi quyết định áp dụng, phải trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản theo quy định, bảo đảm khách quan, minh bạch, thu hồi tối đa, không để hao hụt, thất thoát giá trị của tài sản khi xử lý.
Ngoài ra, biện pháp này chỉ được áp dụng khi có sự thống nhất của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trước khi quyết định áp dụng, bảo đảm không để xảy ra vi phạm, lợi dụng, lạm dụng; bảo đảm nhất quán quan điểm trong xử lý với quyết định của Tòa án khi xét xử (điểm b khoản 7 Điều 3).
Cuối cùng là việc xử lý phải không làm ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết đúng đắn vụ việc, vụ án.
Thực hiện thí điểm không quá 3 năm
Đối với biện pháp thứ 5 - Tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản, ông Tiến khẳng định, việc thí điểm biện pháp này nhằm ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm ngay từ ban đầu, tạo một bước sớm để kiểm tra, xác minh, khi có đủ căn cứ, điều kiện thì áp dụng ngay các biện pháp thu giữ , tạm giữ, kê biên, phong tỏa theo quy định.
Dự thảo Nghị quyết được đề xuất có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và được thực hiện không quá 3 năm.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc áp dụng cơ chế thí điểm sẽ có tác động rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền tài sản.
“Do đó, phạm vi thí điểm giới hạn trong một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như dự thảo là phù hợp”, bà Nga nói.
Về 5 nhóm biện pháp xử lý, Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với quy định về các nhóm biện pháp nêu trên, đây là biện pháp chưa được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự.
“Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ cho thấy, việc thí điểm các biện pháp này sẽ góp phần giải quyết cơ bản những vướng mắc, bất cập hiện nay”, bà Nga cho hay.
Tán thành với đề xuất thời gian thực hiện thí điểm như dự thảo, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị, qua đánh giá kết quả thí điểm, nếu có đủ điều kiện thì có thể nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự , Bộ Luật Tố tụng hình sự và các luật liên quan.