Ngàn lẻ kế sách chống trộm nơi cổ mộ: Khiến kẻ xâm nhập mất mạng trong chớp mắt!

Trần Quỳnh |

Những chiếc "bẫy" trong các ngôi mộ cổ này từng trở thành nỗi kinh hoàng của bè lũ đạo mộ thời xưa và thậm chí còn có thể đe dọa tới tính mạng của người làm khảo cổ ngày nay.

Để bảo vệ cho giấc ngủ ngàn thu của người quá cố, cổ nhân từ thời xa xưa đã nghĩ ra nhiều phương pháp để xua đuổi những kẻ có ý định xâm nhập mộ cổ. Thậm chí, không ít cách "chống trộm" còn có thể khiến mộ tặc vùi thây mãi mãi trong lăng mộ.

Ngày hôm nay, Soha.vn sẽ cùng quý độc giả khám phá những cách phòng chống bè lũ đạo mộ độc đáo nhất của người xưa qua bài viết dưới đây.

1/Xây mộ giả

Mộ giả còn được biết đến với tên gọi "mộ gió", "mộ chiêu hồn", dùng để chỉ những ngôi mộ không chôn theo thi hài người đã khuất mà chỉ được dựng nên để đánh lạc hướng kẻ có ý định xâm phạm. Đây là một trong những cách "chống trộm" được cổ nhân sử dụng phổ biến nhất.

Theo đó, họ sẽ xây dựng một vài hoặc hàng chục ngôi mộ giả khác nhau, còn thi hài thật sẽ được chôn cất ở một nơi kín đáo hơn.

Trong lịch sử Trung Hoa có không ít các nhân vật nổi tiếng từng sử dụng cách làm này như Bao Công, Tào Tháo, Khổng Tử…

Ngàn lẻ kế sách chống trộm nơi cổ mộ: Khiến kẻ xâm nhập mất mạng trong chớp mắt! - Ảnh 1.

Nổi tiếng với tính cách đa nghi, Tào Tháo từng để lại di mệnh tạo ra "mê hồn trận" mộ giả với 72 ngôi mộ gió khác nhau để không ai tìm ra nơi yên nghỉ thực sự của ông.

Tương truyền rằng, để cho người thầy vĩ đại của mình có thể yên giấc ngàn thu, học trò của Khổng Tử đã từng xây dựng 5 ngôi mộ giả bằng đá để đánh lạc hướng.

Có giai thoại còn kể lại, ngày an táng của Bao Thanh Thiên, 21 quan tài cùng lúc đi ra 7 cổng thành khác nhau. Với hàng chục ngôi mộ giả của vị quan xử án xuất chúng này, phải tới thế kỷ 20, giới khảo cổ mới chính thức phát hiện ra ngôi mộ chôn cất thi hài của ông trong quần thể mộ của gia tộc họ Bao.

2/Xây mộ trên vách núi

Những ngôi mộ được xây cất trên vách núi cũng được coi là một trong các cách phòng mộ tặc hết sức hữu hiệu.

Họ cho rằng, so với việc chôn cất thân nhân quá cố trong lòng đất, đưa quan tài của họ lên những vách núi cheo leo, hiểm trở sẽ giảm khả năng bị kẻ gian xâm phạm. Tuy nhiên, hình thức chôn cất ấy không phải ai cũng có đủ khả năng để thực hiện.

Một trong những ngôi mộ đá nổi tiếng nhất Trung Hoa chính là Chiêu Lăng của vua Đường Lý Thế Dân. Lăng mộ của ông được xây dựng trong núi Cửu Sư, nay thuộc huyện Lễ Tuyền, tỉnh Thiểm Tây.

Ngàn lẻ kế sách chống trộm nơi cổ mộ: Khiến kẻ xâm nhập mất mạng trong chớp mắt! - Ảnh 3.

Lăng mộ của vua Đường Lý Thế Dân nằm trên một ngọn núi có địa hình tương đối hiểm trở.

3/Niêm phong bằng sắt

Xây cất mộ bên trong núi đá có hiệu quả rõ rệt trong việc phòng mộ tặc. Nhưng phương pháp này lại xuất hiện một "kẽ hở" rất lớn. Đó chính là cửa động (lối vào của ngôi mộ) rất dễ bị kẻ gian tìm thấy.

Vậy làm thế nào để ngôi mộ trở nên "bất khả xâm phạm"?

Nhằm giải quyết "kẽ hở" này, họ đã nghĩ ra cách nung chảy sắt để niêm phong cửa động – tức lối vào chính của ngôi mộ.

Sử cũ có viết, một trong những ngôi mộ nổi tiếng từng sử dụng phương pháp này để niêm phong lối vào chính là Càn Lăng của Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên.

Ngàn lẻ kế sách chống trộm nơi cổ mộ: Khiến kẻ xâm nhập mất mạng trong chớp mắt! - Ảnh 4.

Càn Lăng của Võ Tắc Thiên và Cao Tông Lý Trị từng niêm phong lối vào hầm mộ bằng cách nung chảy sắt. (Ảnh: Nguồn Internet).

4/Bẫy cát

Loại bẫy này đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử và đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều kẻ trộm mộ vào thời xưa.

Bẫy cát sẽ được thiết lập bằng cách cho một lượng cát lớn ở bên ngoài lối vào lăng mộ hoặc một số địa điểm khác. Lớp cát khô, mịn và có tính di chuyển rất mạnh sẽ khiến những kẻ trộm không thể xâm phạm vì cứ đào là cát sẽ chảy xuống. Thậm chí ngay cả khi đã tìm thấy lối vào, những kẻ xâm phạm ấy cũng rất dễ bị chôn sống bởi cát lún.

Ngàn lẻ kế sách chống trộm nơi cổ mộ: Khiến kẻ xâm nhập mất mạng trong chớp mắt! - Ảnh 5.

Bẫy cát có thể khiến những kẻ xâm phạm mộ cổ bị vùi lấp chỉ trong tích tắc. (Ảnh minh họa).

5/Bẫy vũ khí

Nỏ, cung tên và đao kiếm là những binh khí thường được thiết lập tự động trong các ngôi mộ cổ. Trong các loại bẫy vũ khí, bẫy nỏ là thứ khiến giới mộ tặc sợ hãi hơn cả.

Loại bẫy này sẽ được đặt vào các góc khuất trong những "tử huyệt" (chỉ những nơi mà trộm mộ nhất định phải đi qua nếu muốn tiến vào).

Chỉ cần kẻ xâm phạm bước qua các vị trí này hoặc vô tình chạm vào một vài cơ quan, nỏ sẽ tự động bắn mũi tên về phía mục tiêu và khiến chúng bỏ mạng.

Ngàn lẻ kế sách chống trộm nơi cổ mộ: Khiến kẻ xâm nhập mất mạng trong chớp mắt! - Ảnh 6.

Một số mẫu nỏ được sử dụng để tập kích kẻ xâm phạm bên trong các ngôi mộ cổ. (Ảnh minh họa).

6/Bẫy từ chất độc

Loại chất độc được "ưa chuộng" nhất trong mộ huyệt hơn cả chính là thủy ngân. Việc sử dụng thủy ngân làm bẫy trong các lăng mộ thời Tần, Hán cũng từng được ghi lại tương đối nhiều.

Theo ghi chép của các nguồn sử liệu, lăng mộ của Tề Hoàn Công có xây hẳn một hồ thủy ngân. Còn bên trong địa cung của Tần Thủy Hoàng thậm chí còn được bao quanh bởi một "dòng sông thủy ngân".

Chỉ riêng việc thủy ngân bay hơi tạo thành khí độc chết người đã khiến cho những kẻ trộm mộ "chùn bước" trước những ngôi mộ "nội bất xuất ngoại bất nhập" ấy.

Ngàn lẻ kế sách chống trộm nơi cổ mộ: Khiến kẻ xâm nhập mất mạng trong chớp mắt! - Ảnh 7.

Dòng sông thủy ngân từng được giới khảo cổ "lời nguyền" bên trong địa cung thuộc lăng mộ Tần Thủy Hoàng. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

7/Giết người diệt khẩu

Hành động tuẫn táng bằng cách "giết người diệt khẩu" này bị đánh giá là phương pháp phòng trộm mộ thiếu nhân văn nhất.

Từ thời nhà Minh trở về trước, các triều đại Trung Hoa thường xuyên duy trì thông lệ chôn sống toàn bộ công nhân xây mộ sau khi hoàn thành công trình. Cũng nằm trong danh sách tuẫn táng này còn có nhiều phi tần, mỹ nữ không con cái cùng vô số nô tỳ, thái giám.

Ngàn lẻ kế sách chống trộm nơi cổ mộ: Khiến kẻ xâm nhập mất mạng trong chớp mắt! - Ảnh 8.

Trong các ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều di cốt của những người bị tuẫn táng. (Ảnh minh họa).

8/Cảnh báo hậu thế bằng "lời nguyền"

Các phương pháp phòng trộm mộ trên đều dùng "thực chiêu", nhưng phương pháp cuối cùng trong danh sách này lại được biết tới như một loại "hư chiêu" vô cùng hữu dụng. Đó chính là sử dụng "lời nguyền".

Mặc dù bị coi là "hư chiêu", nhưng việc thêu dệt nên những giai thoại về vài lời nguyền rủa xoay quanh ngôi mộ ấy đã tạo nên rào chắn tâm lý, khiến nhiều kẻ "biết khó mà lui".

Ngàn lẻ kế sách chống trộm nơi cổ mộ: Khiến kẻ xâm nhập mất mạng trong chớp mắt! - Ảnh 9.

Tương truyền rằng, lăng mộ của Càn Long được trấn giữ bởi một thanh kiếm có tên là Cửu Long bảo kiếm. Vào thời Dân quốc, những ai từng có dịp sở hữu thanh kiếm này đều phải chịu những cái chết đáng sợ. (Ảnh minh họa).

Những lời nguyền mộ cổ nổi tiếng nhất thế giới phải kể tới Ai Cập. Trong nơi an nghỉ của mình, các Pharaoh sẽ nằm trong quan tài bằng vàng, bên trên sẽ khắc một vài lời cảnh cáo như: "Nếu kẻ nào quấy nhiễu sự yên bình của Pharaoh, cái chết sẽ bao phủ hắn", hay "Ta thấy hôm qua, ta biết ngày mai"…

*Theo Qulishi.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại