Ngân hàng Xây dựng đòi nợ: Bản thỏa thuận lên tiếng

Đức Đam - Ngọc Mai |

Có một bản thỏa thuận giữa Ngân hàng Xây dựng (CB-tiền thân là Ngân hàng Đại Tín) và phía bị đòi nợ 3 nghìn tỷ đồng là Cty Cổ phần Đầu tư Phương Trang (không phải Cty CP Xe khách Phương Trang như văn bản thông báo nợ từ CB). Dường như sau vụ nhiều lãnh đạo CB bị bắt, vẫn còn những uẩn khúc…

Món nợ kỳ lạ

Tranh cãi giữa CB và Cty CP Đầu tư Phương Trang quanh món “nợ” mà khách hàng (Cty CP Đầu tư Phương Trang, nhưng CB nêu trong văn bản thành Cty CP Xe khách Phương Trang) đang tới hồi gay cấn.

Tuy nhiên, chiều 12/6, Cty CP Đầu tư Phương Trang vừa hé lộ một bản thoả thuận đầu năm 2015 giữa 2 bên có sự chứng kiến của đại diện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an.

Theo văn bản này, 2 bên sẽ hoán đổi tài sản (căn cứ vào số nợ để hoán đổi bằng tài sản cầm cố của Phương Trang). CB hứa chậm nhất ngày 6/2/2015 sẽ gửi giá trị tài sản hoán đổi cho khách hàng. “Tuy nhiên, từ đó tới nay, CB bặt vô âm tín.

Chúng tôi muốn trả nợ, nhưng CB không muốn trả lại tài sản cầm cố cao hơn gấp nhiều lần số nợ. Bản thoả thuận này có chữ ký người chứng kiến và dấu đỏ của CB”, lãnh đạo Cty CP Đầu tư Phương Trang nói.

Theo phía Phương Trang, chính vì những khuất tất khó hiểu nên mới gửi đơn tới các cơ quan chức năng và có thể từ đó đã góp phần phanh phui những việc mà một số lãnh đạo cũ (của CB) bị khởi tố, bắt giam.

Đại diện phía CB, ông Đỗ Tất Khá-Thành viên HĐTV kiêm Phó TGĐ (lãnh đạo cấp cao chuyên trách công tác xử lý nợ xấu) nói về số tài sản Cty CP Đầu tư Phương Trang cầm cố:

“Tài sản thế chấp, nhóm Cty Phương Trang vẫn đang khai thác; vụ việc theo hồ sơ tồn đọng từ ngân hàng cũ nhiều năm nay, nên chúng tôi chỉ thực hiện căn cứ theo đúng quy định của pháp luật”.

Tuy vậy, ông Phạm Đăng Quan, Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư Phương Trang, khẳng định: “Đây là sự vu khống. Thực tế tài sản của chúng tôi nằm bất động không thể sử dụng hay giao dịch được.

Bất động sản thì bỏ hoang cho cỏ mọc; vài chục đầu xe trong số hàng trăm xe cầm cố đã bị gỉ sét hư hỏng do giấy tờ bị cầm cố không đăng kiểm được.

Chúng tôi đã muốn trả nợ từ lâu để lấy lại tài sản nhưng CB cố tình lần lữa. Trong các văn bản liên quan và thể hiện trong các điều khoản tín dụng của Ngân hàng Đại Tín (nay là CB) đều có ghi rõ nội dung liên quan đến các tài sản thế chấp của chúng tôi tại đây: Cấm mua bán, sang nhượng, sử dụng…”.

Cũng theo phía Phương Trang, mọi việc chưa đi tới đâu, CB đã thông tin cho báo chí về những thông tin bí mật của khách hàng.

“Thậm chí thông tin sai. Nợ của Cty CP Đầu tư Phương Trang lại nói của Cty CP Xe khách Phương Trang-một đơn vị không liên quan. Chưa nói tới vụ việc đang được phía công an điều tra,

CB tiết lộ thông tin mật của khách hàng có đúng nguyên tắc không?”, ông Quan nói.

Theo đó, việc CB công bố khoản nợ của Cty CP Đầu tư Phương Trang trên báo chí được coi như tiết lộ bí mật thông tin khách hàng và phải chịu phạt về vấn đề này.

Còn luật sư Bùi Sinh Quyền-Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ (Hà Nội) cho rằng, việc công bố thông tin khách hàng đã vi phạm hợp đồng tín dụng.

Trong khi đó, phía CB còn công bố nhầm tên doanh nghiệp nợ gây thiệt hại cho công ty không liên quan.

Quyết đấu

Tối 12/6, đại diện Phương Trang gửi 1 bản phản đối CB dài 10 yêu cầu đính chính các thông tin sai lệnh và gửi văn bản xin lỗi.

Trong đó, có đoạn “chúng tôi quyết đấu đến cùng để đòi lại lẽ phải công lý và quyền lợi danh dự để dòi lại khối tài sản 14.500 tỷ đồng bao nhiêu năm tích tụ, hiện đang bị quản thủ trái phép ở CB”.

Tuy vậy, cũng văn bản trên nói rõ: “Luôn thiện chí và sẵn sàng hợp tác để xử lý dứt điểm những vấn đề còn tồn tại giữa 2 bên trong thời gian sớm nhất trên sơ sở quy định của Luật pháp, tôn trọng và hiểu biết.

Chúng tôi yêu cầu CB chủ động đề xuất phương án lộ trình, giải pháp xử lý dư nợ, tài sản đảm bảo rồi trao đổi, bàn bạc để thống nhất thực hiện; tạo điều kiện để 2 bên thực hiện trọn vẹn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình”.

Từ năm 2012, Phương Trang đã gửi nhiều đơn tới các cơ quan chức năng làm rõ các khuất tất tại Ngân hàng Đại Tín (tiền thân CB). Cuối tháng 7/2014, một số lãnh đạo CB bị khởi tố và tạm giam về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau đó 1 năm, hàng loạt cán bộ tại ngân hàng này cũng bị khởi tố.

Sự việc liệu có dừng lại ở những gì cơ quan điều tra đã công bố? Đó đang là những câu hỏi cần sớm giải đáp.

Được biết, hiện 98% tài sản của Phương Trang gồm giấy tờ bất động sản, trái phiếu và hàng trăm xe khách…được (chính CB) định giá 14.500 tỷ đồng đang bị cầm cố tại CB.

Đáng ngạc nhiên, dù suốt 4 năm bị "giam" phần lớn tài sản, nhưng số lượng nhân viên tăng gấp 3 lần với việc mở rộng đầu tư thêm cả nghìn phương tiện cơ giới, trạm dừng chân và nhiều bến xe hiện đại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại