Ngân hàng SCB mới đây đã áp dụng biểu lãi suất mới, điều chỉnh ở cả hình thức gửi tại quầy và gửi online từ ngày 14/5/2922. Nhà băng này đã tăng thêm khoảng 0,1-0,3 điểm phần trăm so với trước và hiện là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất hiện nay.
Cụ thể, lãi suất cao nhất tại SCB đã lên 7,55%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên khi gửi online và không yêu cầu số tiền gửi lớn, tăng 0,2 điểm % so với trước.
Đối với hình thức gửi tại quầy, SCB cũng dẫn đầu hệ thống với lãi suất cao nhất là 7,3%/năm tại kỳ hạn 12 tháng trở lên, tăng 0,3 điểm % so với biểu lãi suất cũ. Ở các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 11 tháng, lãi suất cũng tăng thêm khoảng 0,1 điểm %. Lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng vẫn duy trì ở mức tối đa cho phép là 4%/năm.
Hiện để được hưởng lãi suất từ 7%/năm, người gửi tiền chỉ cần gửi kỳ hạn từ 9 tháng trở lên tại SCB, không yêu cầu số tiền lớn. Trong khi đó, mức lãi suất trên 7%/năm ở các ngân hàng khác phải gửi kỳ hạn dài, thường từ 2 năm trở lên hoặc phải gửi số tiền lớn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.
Thêm một ngân hàng lớn là SHB cũng có động thái tăng lãi suất thời gian gần đây. Nhà băng này đang triển khai chương trình tặng lãi suất cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại quầy và trên kênh ngân hàng điện tử. Đáng chú ý, khi tham gia chương trình, khách hàng sẽ được cộng thêm lãi suất ưu đãi lên đến 1,1% cho các món tiền gửi. Hiện lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của SHB là 6,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 36 tháng, số tiền từ 2 tỷ trở lên.
Trước đó, từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều ngân hàng như Eximbank, VietCapialBank, NamABank, Sacombank, CBBank…cũng đã công bố biểu lãi suất mới, mức tăng phổ biến là 0,1-0,4%/năm.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tăng tại một số các ngân hàng cổ phần với mức tăng 10-30 bps; tuy nhiên không biến động tại nhóm NHTMCP Nhà nước.
VCBS cho rằng, mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Cùng với đó, tốc độ tăng trƣởng tín dụng và diễn biến lạm phát trong các quý tới cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tăng của lãi suất huy động. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng. Cụ thể, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 100-150 bps trong cả năm 2022.
VCBS cũng dự báo lãi suất cho vay sẽ ghi nhận áp lực tăng tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.
Động thái tăng lãi suất trong nửa năm trở lại đây đã giúp tiền gửi vào ngân hàng tăng trưởng tích cực những tháng đầu năm 2022. Theo thống kê, trong quý 1/2022, chỉ có 7 ngân hàng ghi nhận sụt giảm trong khi 21 ngân hàng có tăng trưởng khả quan. Những ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi cao nhất là VPBank (13,4%), HDBank (9,9%), TPBank (9,3%), SCB (9,1%), Sacombank (7,1%), VIB (5,9%),…
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 2/2022, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm khách hàng dân cư, trong khi tăng trưởng tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp lại kém khả quan.
Cụ thể, tại ngày 28/2, người dân để hơn 5,46 triệu tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng, tăng hơn 56.000 tỷ so với cuối tháng 1 và tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 3,01%). Mức tăng hơn 159.600 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm nay còn lớn hơn cả mức tăng trong cả năm 2021 (chỉ hơn 158.600 tỷ đồng).