Đơn cử, MSB đang cho vay mua nhà với lãi suất 4,99%/năm áp dụng cho 3 tháng đầu cho sản phẩm vay mua nhà 24 tháng không bao gồm các dự án liên kết.
Theo đó, những khoản vay mua nhà ở của ngân hàng này hiện được cấp hạn mức tín dụng cao nhất lên đến 90% giá trị tài sản thế chấp và kỳ hạn vay 35 năm đối với nhà gắn liền với đất có sổ hồng. PVcomBank cũng áp dụng lãi suất cho vay mua nhà ở 5%/năm cho 6 tháng đầu, sau đó áp dụng lãi suất 12%/năm, giá trị khoản cho vay lên đến 85% tài sản thế chấp.
TPBank và VPBank đang có chung mức lãi suất cho vay mua nhà là 5,9%/năm, trong đó TPBank cho biết quá trình duyệt hồ sơ vay chỉ trong 24 giờ. Hay Sacombank, VIB có sản phẩm cho vay mua nhà ở với giá trị cấp tín dụng bằng 100% giá căn nhà, lãi suất 8,3%-8,5%/năm thời hạn vay vốn lên đến 25-30 năm…
Trong khi đó, khối NHTM nhà nước cho vay lãi suất ưu đãi thời kỳ đầu kéo dài hơn khối NHTMCP. Chẳng hạn, lãi suất mua nhà ở của Vietcombank hiện nay áp dụng từ 6,7%-8,2%/năm đối với 24 tháng đầu, sau đó lãi suất cho vay được tính trên cơ sở lấy lãi suất huy động 12 tháng cộng thêm 3,5%, nhưng không thấp hơn lãi suất sàn do Vietcombank công bố.
BIDV cũng đang cho vay mua nhà với lãi suất từ 6,2%/năm, ngân hàng này còn có nhiều sản phẩm cho vay điện tử nên việc giải quyết hồ sơ cho vay rất nhanh gọn và lãi suất cạnh tranh so với các ngân hàng khác.
Ảnh minh họa
Nhà phố có sổ hồng, sổ đỏ và căn hộ của những dự án bất động sản của nhà thầu uy tín, sản phẩm có tính thanh khoản cao đều được các ngân hàng săn đón cho người mua nhà vay với tài sản thế chấp là chính căn nhà và khách hàng chứng minh có mức tiền lương, thu nhập đảm bảo trả được nợ.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, tình trạng đầu cơ thổi giá tạo nên những cơn sốt đất ảo vẫn diễn ra thường xuyên ở nhiều nơi nên bản thân các NHTM cũng xác định tín dụng bất động sản là rất rủi ro và đang có xu hướng siết chặt tín dụng đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên với các nhu cầu vốn mua nhà để ở của người dân, vẫn được các ngân hàng đáp ứng.
Chủ trương của NHNN cũng là tập trung dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản... song không hạn chế đối với nhu cầu mua nhà để ở của người dân.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, thời gian qua, tín dụng vào bất động sản đã được kiểm soát rất chặt chẽ, tới đây có thể sẽ kiểm soát chặt hơn nữa, đặc biệt đối với mục đích đầu cơ. "Tuy nhiên, vốn vẫn ưu tiên phục vụ nhu cầu chính đáng cho người dân mua nhà, đất để ở thật", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Một điểm rất đáng ghi nhận nữa là mặc dù mặt bằng lãi suất đang chịu rất nhiều áp lực, lãi suất đầu vào tại không ít ngân hàng đã được diều chỉnh tăng, nhưng hiện các ngân hàng vẫn duy trì ổn định lãi suất cho vay, trong đó có cả lãi suất cho vay mua nhà.
Có được điều này một phần cũng nhờ lãi suất các chương trình tín dụng nhà ở được giữ ổn định. Trong đó, lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội và cho vay sửa chữa nhà ở và tạo lập nhà ở ba năm qua NHNN giữ nguyên mức lãi suất ở mức 4,8%/năm.
Cơ chế lãi suất chương trình tín dụng này được NHNN công bố hàng năm như một tham chiếu cho thị trường lãi suất cho vay nhà ở. Trước đó, Chính phủ có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thông qua các NHTM triển khai cho vay mua nhà ở cho những đối tượng cụ thể cũng tạo hiệu ứng lan tỏa trên thị trường cho vay mua nhà ở.
Theo số liệu của NHNN chi nhánh TP.HCM, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng các NHTM tại TP.HCM đã cho vay tạo lập được hơn 10.000 ngôi nhà cho các cá nhân và hộ gia đình.
Đại diện NHNN thành phố cho biết, qua theo dõi hoạt động trả nợ vay của gói tín dụng này rất tích cực. Đến nay dư nợ của gói tín dụng này trên địa bàn TP.HCM chỉ còn 2.076 tỷ đồng của 6.970 khách hàng, trong đó cá nhân còn dư nợ 2.060 tỷ đồng, doanh nghiệp còn dư nợ 16 tỷ đồng.
Thời gian qua nguồn cung nhà ở giá rẻ, phù hợp với người lao động rất hạn hẹp dẫn đến các ngân hàng cũng khó khăn tìm phương án tốt cho vay.
Trong báo cáo về dữ liệu nhà ở của UBND TP.HCM gửi Bộ Xây dựng mới đây cho biết, trong ba tháng đầu năm nay TP.HCM chỉ có 5 dự án đủ điều kiện huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai với số lượng 1.172 căn. Trong quý I năm 2022 TP.HCM cũng không cấp phép được cho dự án nào làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.
Nguyên nhân nguồn cung nhà ở khan hiếm do các dự án không đáp ứng đủ điều kiện quy định về xây dựng, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và giá cả vật liệu xây dựng tăng nên các doanh nghiệp không phát triển nhà ở mới.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong quý I/2022, thành phố có 260 căn nhà ở xã hội hoàn thiện, hiện thành phố còn 5 dự án nhà ở xã hội đang thực hiện, sau khi hoàn thành sẽ đưa vào thị trường khoảng 3.367 căn.
Để tăng cung cho nhà ở giá phù hợp với người lao động, Sở Xây dựng TP.HCM cam kết sẽ tiếp tục cải cách thủ tục trong cấp phép cho các dự án bất động sản trong thời gian tới.