Ngẫm tương lai vũ khí từ loạt siêu tên lửa 'thông minh' của Nga

Quý Hoàng |

Hãy tưởng tượng một tên lửa có thể chọn mục tiêu của riêng mình, quyết định khi nào sẽ tấn công và tấn công ra sao.

Nga đang sở hữu loại khí tài này và sức phá hủy của nó có thể là vô cùng lớn, theo trang tin tức News Australia.

Theo trang tin này, cuộc đua kết hợp trí thông minh nhân tạo trong vũ khí hiện đại có nguy cơ vượt xa khả năng của công nghệ và khả năng kiểm soát chúng.

Viktor Bondarev, Tổng tư lệnh không quân Nga, đã phát biểu tại triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2017 rằng máy bay của ông sẽ sớm có được những tên lửa hành trình sở hữu trí thông minh nhân tạo có khả năng phân tích môi trường và đối thủ và có khả năng "đưa ra quyết định" về độ cao, tốc độ, đường bay và mục tiêu.

"Nghiên cứu về lĩnh vực này đang được tiến hành", hãng tin TASS của Nga dẫn lời CEO Tập đoàn tên lửa chiến thuật Vladimir Obnosov cho biết thêm. "Cho đến ngày hôm nay, một số thành công nhất định đã có, nhưng chúng tôi vẫn phải làm việc trong vài năm để đạt được kết quả cụ thể".

Mặc dù không chỉ ra tên lửa nào được dự kiến bổ sung trí thông minh nhân tạo như vậy, nhưng có hai ứng cử viên rõ ràng trong số các siêu vũ khí mà Tổng thống Vladimir Vladimir Putin năm 2018 đã nêu ra: tên lửa siêu thanh Avangard và tên lửa hành trình động cơ hạt nhân Burevestnik.

AI được vũ khí hóa

Nhiều loại vũ khí hiện đại đã có khả năng đưa ra lựa chọn - như súng Gatling tự động được thiết kế để phản ứng và bắn hạ tên lửa tới trong chớp mắt.

Tuy nhiên, khả năng "lựa chọn" này thường là tối thiểu.

Ông Obnosov nói với TASS rằng, Nga đã quan sát thấy tên lửa hành trình của Mỹ ở Syria thể hiện khả năng tự chuyển hướng sau khi nhận ra mục tiêu ban đầu của họ đã bị phá hủy.

Nhưng theo trang tin trên, việc có thể xác định và sắp xếp các mục tiêu với các cấp độ cơ hội tấn công sẽ đẩy việc ra quyết định về mặt cơ học lên một cấp độ hoàn toàn mới và cũng mở ra các vấn đề mới về đạo đức.

Trí thông minh nhân tạo có một lỗ hổng lớn: Nó không thông minh triệt để.

Nó có thể cực kỳ nhanh chóng và hiệu quả trong việc tuân theo và áp dụng một bộ quy tắc đã được định ra. Nhưng nó gần như không có khả năng thích ứng với các tình huống bất ngờ.

Đó là lý do tại sao việc đưa con người ra khỏi vòng lặp ra quyết định của Google vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.

Vào tháng 9 năm ngoái, Liên minh châu Âu đã kêu gọi thành lập một hiệp ước quốc tế cấm "các robot sát thủ". Tôi biết rằng điều này có thể giống như một cuộc tranh luận về một tương lai xa hoặc về khoa học viễn tưởng nhưng nó không phải như vậy, một quan chức hàng đầu EU về đối ngoại và an ninh đã phát biểu vào thời điểm đó.

Nhưng Trung Quốc, Nga, Israel, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã phản bác ý tưởng trên.

Những ảnh hưởng thực tế

Cả hai siêu tên lửa mới của Nga đều sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ khả năng ra quyết định nhân tạo.

Nhưng trước tiên, chúng phải bay được. Một báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ cho thấy Moscow sẽ chỉ có thể sản xuất một số lượng hạn chế đầu đạn siêu thanh mới tiên tiến Avangard.

Và tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik (được NATO đặt tên là Skyfall) - được cho là có khả năng di chuyển luồn lách khắp thế giới để tránh bị phát hiện - đã vấp phải một số thất bại.

Trong trường hợp của Avangard, Nga được cho là không thể sản xuất các thành phần sợi carbon chịu nhiệt cần thiết để vũ khí này duy trì được các chức năng ở tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh. Các chuyến bay thử nghiệm đã tiết lộ vật liệu này không đủ chất lượng để đảm bảo vẫn duy trì được sức mạnh sau khi trải qua sức nóng cấp độ thiên thạch với tốc độ siêu thanh.

Điện Kremlin vẫn chưa tìm được nhà sản xuất thay thế.

Tuy nhiên, cơ quan tình báo Mỹ nói với CNBC rằng họ dự kiến Nga sẽ tiếp tục việc phát triển loại vũ khí này, với hoạt động triển khai ban đầu ngay sau năm tới.

Còn tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik cũng được cho là chỉ đạt được những thành công hạn chế.

Các mảnh vỡ hạt nhân đã phải được kéo ra khỏi Biển Barents vào năm 2017 sau khi một vụ phóng thử thất bại từ một địa điểm thử nghiệm vũ khí ở Bắc Cực trên đảo Novaya Zemlya. Một vụ thử khác vào tháng 1 năm nay đã được xác định là chỉ thành công một phần.

Suy tính về xung đột?

Theo trang tin này, Nga không phải là quốc gia duy nhất đang tìm cách phát triển vũ khí có trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra quyết định. Và ứng dụng của nó đang mở rộng ra ngoài phạm vi tên lửa và máy bay không người lái.

Quân đội Hoa Kỳ đã đưa ra lời gọi xây dựng cái mà họ gọi là ATLAS (hệ thống tự động nhắm mục tiêu và sát thương tiên tiến).

Ngẫm tương lai vũ khí từ loạt siêu tên lửa thông minh của Nga - Ảnh 2.

Một robot tự động trên xe tăng của quân đội Mỹ. (Nguồn: Defense One).

Họ nói rằng họ muốn trí tuệ nhân tạo và học máy được cài đặt trên xe tăng và xe bọc thép, cho phép các vũ khí của họ có thể thu nhận, nhận dạng và tiếp cận các mục tiêu nhanh hơn ít nhất 3 lần so với quy trình thủ công hiện tại.

ATLAS cũng đề cập rằng, "các phần của quy trình kiểm soát hỏa lực sẽ được vận hành bởi trí thông minh nhân tạo, và chỉ để lại một ngón tay người trên cò súng".

Luật pháp Hoa Kỳ hiện yêu cầu một người phải tham gia vào bất kỳ quyết định nào liên quan đến nổ súng. Nhưng khi tốc độ của vũ khí tăng lên và thời gian phản ứng giảm dần, áp lực tự động hóa hoàn toàn quá trình này đang gia tăng.

Điều này đặt ra những vấn đề nghiêm trọng.

Liệu AI sẽ có thể xác định ngay lập tức những người không có sức chiến đấu (như thường dân, người tị nạn hoặc quân đội đã đầu hàng)? Và trách nhiệm pháp lý đối với những quyết định sai lầm sẽ nằm ở đâu? Chính phủ, văn phòng chịu trách nhiệm về mua sắm khí tài? Phi đội xe tăng? Hay nhà sản xuất?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại