Trong suy nghĩ của đại đa số mọi người, công ty mẹ sẽ lớn hơn so với công ty con mà họ sở hữu về tất cả mọi mặt. Điều này xuất phát từ việc công ty mẹ thường là đơn vị sáng lập hoặc đơn vị mua lại và sở hữu các công ty con, từ đó có quyền kiểm soát và quản lý đối với các hoạt động kinh doanh của công ty con.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, khi cả "mẹ" và "con" cùng lên sàn cũng có những trường hợp ngoại lệ khi công ty con có sự tăng trưởng vượt bậc, vượt qua cả công ty mẹ của mình về giá trị vốn hóa trên thị trường.
Đầu tiên phải kể đến Vingroup (VIC), vốn hóa của VIC hiện tại gần 160.600 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 5.700 tỷ đồng so với vốn hóa của Vinhomes (VHM) là 166.300 tỷ đồng. Vinhomes hiện là doanh nghiệp bất động sản lớn nhất sàn chứng khoán và là công ty con do Vingroup sở hữu 69,34% vốn điều lệ.
Từ khi niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào tháng 9/2007, Vingroup của luôn nằm trong top những doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán. Thậm chí, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng còn nhiều năm giữ vị trí số 1 thị trường với vốn hóa có thời điểm lên đến hơn 20 tỷ USD.
Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/6/2024, Vingroup đã chính thức rời khỏi top 10 công ty có giá trị lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trên thực tế, mức giảm từ đầu năm của cổ phiếu VIC là không quá lớn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng rời khỏi top 10 này đến từ việc vốn hóa của nhiều doanh nghiệp ngoài top tăng phi mã trong nửa đầu năm 2024.
Ngoài việc các công ty khác ghi nhận vốn hóa tăng mạnh trong nửa đầu năm, việc các nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào Vingroup cũng khiến cổ phiếu VIC chưa thể bứt phá. Câu chuyện của Vingroup hiện nay gắn liền với đơn vị thành viên là VinFast, dù đã có được những dấu ấn nhất định nhưng chưa đem lại được lợi nhuận.
Giống với Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, doanh nghiệp của một tỷ phú khác cũng nằm trong cảnh mẹ nhỏ hơn con đó chính là Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Hiện nay, vốn hóa của Masan (MSN) là 111.600 tỷ đồng, trong khi vốn hóa của Masan Consumer Holdings (MCH) là 157.500 tỷ đồng. Hiện Masan đang sở hữu gián tiếp 68,1% cổ phần tại MCH.
MCH là công ty con tập trung vào mảng hàng tiêu dùng của Masan, ngoài ra, Masan còn đang tham gia vào các mảng bán lẻ (WinCommerce), thịt có thương hiệu (Masan MEATLife), trà và cà phê (Phúc Long), tài nguyên và chế biến khoáng sản (Masan High-Tech Materials) và dịch vụ tài chính với công ty liên kết là Ngân hàng Techcombank.
Ngoài ra, vốn hóa của Gelex (20.180 tỷ đồng) hiện cũng nhỏ hơn so với Viglacera (24.435 tỷ đồng), công ty con sở hữu 50,21% cổ phần thông qua CTCP Hạ tầng Gelex.