Theo Sputnik, Moscow tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Hải quân (26/7) năm nay bằng một loạt các sự kiện lớn trên khắp nước Nga, quy mô nhất có thể kể tới trong số đó có lễ duyệt binh trên sông Neva ở thành phố St. Petersburg.
Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nhiều tướng lĩnh hàng đầu của Quân đội Nga tham dự sự kiện ở St. Petersburg. Trong ảnh là Tổng thống Putin (đứng giữa), Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu (bên trái) và Tư lệnh Hải quân Nga Đô đốc Nikolai Evmenov (bên phải).
Như mọi năm, Tổng thống Putin cùng các tướng lĩnh di chuyển bằng một tàu tuần tra cao tốc (đã được sửa đổi) Raptor màu trắng đánh số hiệu "001" để duyệt qua đội tàu chiến danh dự trên sông Neva.
Tham gia lễ duyệt binh năm nay tại St. Petersburg, Hải quân Nga điều động 46 tàu chiến các loại cùng 41 máy bay quân sự thuộc Không quân Hải quân Nga. Trong ảnh là tàu hộ vệ mang tên lửa Serpukhov "563" thuộc lớp Buyan-M.
Cận cảnh đội tàu chiến danh dự của Hải quân Nga trên sông Neva trong lễ duyệt binh năm nay. Ngay phía trước tàu Serpukhov "563" là tàu quét mìn Alexanderr Obukhov "507" lớp Alexandrit.
Kế đến là tàu hộ vệ tàng hình mang tên lửa Boykiy “532” thuộc lớp Steregushchiy - một trong những lớp tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Nga hiện nay, vũ khí chính của nó là các tên lửa chống hạm Uran, hệ thống phòng không trên hạm Redut và hải pháo 100mm A-190.
Trong ảnh là tàu Đô đốc Kasatonov "431" thuộc lớp khinh hạm tàng hình Đô đốc Gorshkov, tàu "431" mới được Hải quân Nga đưa vào trang bị hôm 21/7.
Ở thời điểm hiện tại lớp tàu khinh hạm Đô đốc Gorshkov là một trong số các tàu chiến mạnh nhất của Hải quân Nga. Chúng được trang bị 2 hệ thống phóng đa năng 3S14U1 UKSK có thể triển khai các tên lửa hành trình Kalibr-NK hay tên lửa chống hạm siêu thanh Oniks. Ngoài ra tàu chiến này cũng được trang bị 1 hải pháo 130mm A-192M.
Xếp cuối đội tàu danh dự của Hải quân Nga trên sông Neva là tàu ngầm tấn công diesel-điện Sankt Peterburg "B-585" thuộc lớp Lada.
Trong bài phát biểu chào mừng Ngày Hải quân, Tổng thống Putin cho biết trong năm 2020, Moscow đã đưa vào trang bị 40 tàu chiến mới. Những lợi thế độc đáo và tăng khả năng chiến đấu của Hải quân Nga sẽ được thực hiện thông qua việc ứng dụng rộng rãi các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, trên thế giới không có các loại tương tự của hệ thống tấn công siêu thanh, tàu ngầm không người lái, với chi phí về các phương tiện quốc phòng hiệu quả nhất.
Sau bài phát biểu của Tổng thống Putin là đội hình tàu chiến tham gia duyệt binh, dẫn đầu là ba tàu tuần tra ven bờ và chống người nhái lớp Grachonok.
Các tàu lớp Grachonok được thiết kế dành cho nhiệm vụ tuần tra ven của Hải quân Nga chống lại các lực lượng đặc nhiệm hoặc các toán phá hoại ngầm của đối phương. Hệ thống vũ khí chính trên tàu là súng phóng lựu chống người nhái DP-65 và súng máy 14,5mm MTPU.
Trong ảnh là tàu tuần tra cao tốc "Raptor" thuộc Project 03160 của Hải quân Nga, nó có khả năng trở theo tối đa 20 lính thủy đánh bộ cùng hệ thống vũ khí phòng vệ hạng nặng. Tốc độ di chuyển tối đa của "Raptor" có thể lên đến 50 hải lý/giờ với bán kính hoạt động 160km.
Kế đến là tàu đổ bộ Serna mang số hiệu "792. Nó có lượng giãn nước 61 tấn, có thể chở được một xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc 2 xe chiến đấu bộ binh hoặc xe thiết giáp chở quân, hay một đơn vị đổ bộ 92 binh sĩ.
Trong ảnh là tàu Vladimir Yemelyanov "659" một tàu quét mìn lớp Alexandrit khác của Hải quân Nga. Khác với các mẫu tàu quét mìn kiểu cũ, lớp Alexandrit có thân tàu bằng sợi thủy tinh, có độ bền không thua kém thép hoặc titan.
Tàu tấn công nhanh mang tên lửa Dimitrovgrad “825” lớp Tarantul-III trong đội hình duyệt binh tại St. Petersburg. Các tàu Tarantul-III luôn nổi tiếng với tên lửa chống hạm siêu thanh P-270 Moskit với tầm bắn hiệu quả có thể lên đến 250km.
Trong ảnh là tàu hộ vệ mang tên lửa lớp Karakurt thế hệ mới của Hải quân Nga - Mytishchi "567". Vũ khí chính của lớp Karakurt là 8 tên lửa hành trình Kalibr hoặc tên lửa diệt hạm siêu thanh Oniks, ngoài ra nó còn được trang bị một pháo hạm 76,2mm AK-176MA.
Đi cuối đội hình là tàu hộ vệ mang tên lửa Veliki Ustyug “651” thuộc lớp Buyan-M, trong các tàu thuộc lớp Buyan thì chỉ có Buyan-M mới được trang bị bệ phóng tên lửa thẳng đứng có khả năng triển khai tên lửa hành trình Kalibr-NK và tên lửa chống hạm siêu âm P-800 Onix.