Ảnh minh họa - Reuters
Hãng Reuters trích dẫn một số nguồn tin cho biết các công ty Ukraine đã dùng LPG như một loại nhiên liệu giá rẻ trong thời gian xảy ra xung đột với Nga từ cuối tháng 2/2022 đến nay.
LPG được sử dụng làm nhiên liệu cho ô tô cũng như nhiên liệu để sưởi ấm và sản xuất hóa dầu. Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine không áp dụng đối với nguồn cung cấp LPG. Các nước EU được tự do nhập khẩu khí hóa lỏng từ Nga mà không phải chịu bất kỳ biện pháp giới hạn chính thức nào.
Đáng chú ý, nguồn LPG mà Latvia mua từ Nga chiếm 90% lượng nhập khẩu của đất nước này. Một quốc gia Baltic khác là Litva đã mua 50% nhu cầu LPG từ Nga và 50% từ Latvia.
Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu thu thập được từ các thương nhân và nhà vận chuyển hàng hóa trong khu vực, Nga đã tăng doanh số bán LPG cho Latvia, Litva và Estonia từ 159.000 tấn lên 331.000 tấn vào năm 2022.
Chỉ riêng trong tháng 12, Latvia và Litva đã giao 15.000 tấn LPG cho Ukraine, chiếm 15% tổng lượng nhập khẩu loại nhiên liệu này trong tháng đó.
Ukraine không mua trực tiếp nhiên liệu của Nga. Tuy nhiên, Reuters cho biết họ mua nó từ các quốc gia vùng Baltic với mức chiết khấu 150 - 200 USD so với nguồn cung từ Ba Lan và Romania.
Trong bối cảnh EU sắp sửa đưa ra lệnh cấm vận nhằm vào hoạt động nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga, chi phí trao đổi nhiên liệu của Nga, trong đó có LPG, đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.