Quan điểm Nga vờ thua, nhốt IS trong rọ Palmyra
Vừaa qua, có người đặt ra kịch bản Quân đội Nga đã nắm rõ các bí mật về sự chuyển quân của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) nên Moscow Nga hoàn toàn có đủ khả năng tung các máy bay chiến đấu cơ động từ chiến trường Aleppo gần đó tới Palmyra và sớm dàn trận tấn công.
Nhưng người Nga đã không làm như vậy, mà để cho IS tập trung binh lực lớn, dễ dàng chiếm lại thành cổ Palmyra. Do đó, xuất hiện một giả thiết là Moscơ đã “vờ thua”, mở “cái túi Palmyra” cho IS chiếm lại và lợi dụng thời cơ để diệt gọn bè lũ khủng bố IS.
Theo quan điểm này, việc Nga vờ thua ở Palmyra được giải thích như sau:
Thứ nhất là: Vào thời điểm IS tập trung quân, Nga đánh giá tình hình chiến sự giữa mặt trận Aleppo giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Thành cổ Palmyra ở miền trung Syria và quyết định ưu tiên cho chiến trường phía Bắc - nơi họ đang có trận đánh gần như kết thúc chiến sự tại đây.
Thứ hai: Quan điểm này cho rằng: “Thời điểm và địa điểm của Thành cổ Palmyra là chiến lược. Khu vực Thành cổ Palmyra vốn là một cao điểm, lại trống trải giữa sa mạc, địa hình không hiểm trở như Raqqa hay Deir ez-Zor”.
IS tấn công Palmyra, đây hoàn toàn không phải là một cuộc tấn công mang bất cứ một ý nghĩa chiến lược nào ngoài việc hạ vị thế của không quân Nga, gây sức ép buộc quân đội Syria phải tạm dừng chiến dịch tấn công ở Aleppo và cứu nguy cho lực lượng Hồi giáo cực đoan trên chiến trường này.
Nhưng điều đó không xảy ra, quân đội Syria không rút lực lượng Tigers và Diều hâu Sa mạc khỏi thành phố, thay vào đó một điều chắc chắn là không quân Nga sẽ không kích dữ dội các mục tiêu của IS trên địa phận tỉnh Homs.
Quân đội Syria đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường Palmyra
Bên cạnh đó, người dân sống cũng khu vực Thành cổ đã được sơ tán khoảng 80%. Với việc cư dân ở các ngôi làng đang được IS kiểm soát đã được sơ tán phần lớn, đây hoàn toàn là điểm lý tưởng cho những cuộc không kích của quân đội Nga sắp tới.
Thứ ba: Thành cổ Palmyra là nơi được chọn giữa cuộc đối đầu Nga- Mỹ.
Thành cổ Palmyra thất thủ cũng không phải tin vui nhưng nhờ đó, người Nga đang có lợi hơn trong cuộc chiến này.
4.000-5.000 tên khủng bố IS đang tụ họp ở Palmyra làm cho Thành cổ này trở thành một điểm nóng hơn bao giờ hết khiến Nga hoàn toàn có thể thoái lui để tạo nên chiến trường, trút quân IS vào rọ Palmyra và khai hỏa.
Mỹ đã tăng viện vào chiến trường Raqqa, đối đầu với Nga khi chiến thắng giành được ở Aleppo. Trung điểm Thành cổ Palmyra là điểm hoàn hảo cho cuộc tấn công mà người Nga sẽ tới khi giải quyết xong trận chiến ở Aleppo.
Thành cổ ở trên cao sẽ là nơi ghi lại trọn vẹn những khoảnh khắc cuối cùng của khủng bố IS giữa sự chứng kiến ở 2 đầu Nga- Mỹ.
Nhìn chung, quan điểm này cho rằng, việc để mất Palmyra thực ra là một cái bẫy, giải quyết xong chiến trường Aleppo, Nga và quân đội Syria sẽ điều động quân từ Aleppo về thành cổ Palmyra để tập trung tiêu diệt một cụm quân lớn của IS. Điều kiện và địa thế ở đây cho phép làm được điều đó.
Hơn nữa, quân đội Syria đã sơ tán được tới 80% dân chúng ở Palmyra, cho phép Nga không kích không phải kiêng dè. Khu Thành cổ trống trải nằm giữa sa mạc, dễ công - khó thủ, đang thu hút một lực lượng lớn quân khủng bố sẽ khiến Nga và Syria dễ dàng tiêu diệt chúng, tái chiếm Palmyra.
Xét theo tình hình chiến trường và các chiến thuật quân sự, không thể không tính tới khả năng Palmyra sẽ trở thành mồ chôn khủng bố IS.
Nga vờ thua ở Palmyra: Quan điểm thả gà, rồi đi đuổi cáo
Thoạt đầu, những luận cứ trên nghe cũng có vẻ hơi có lí nhưng về thực tế đây là quan điểm phi logic và có những nhầm lẫn cơ bản về mặt quân sự. Chúng ta sẽ xem xét những lập luận sai lầm này trên hai quan điểm chủ chốt.
Thứ nhất là quan điểm Palmyra dễ công, khó thủ
Palmyra có dễ công không? Có!; Palmyra có khó thủ không? Có! Nhưng đây là chỉ nói riêng về thành cổ này, còn xét về cục diện tổng quan trên chiến trường khu vực này, Palmyra rất khó đánh và rất dễ phòng thủ.
Khi xét đến chiến thuật phòng ngự, chúng ta không thể chỉ nói đến kiểu phòng ngự thụ động, tức là cố thủ ở một cứ điểm nào đó, bởi đó là kiểu phòng ngự “chết”, mà phải sử dụng chiến thuật phòng ngự chủ động tức là linh hoạt kết hợp giữa tấn công và phòng thủ; vừa phòng thủ vừa tấn công; vừa cố thủ vừa cơ động tập kích.
Palmyra rất dễ đánh nhưng xung quanh Palmyra có rất nhiều cứ điểm vệ tinh dễ dàng phòng thủ như dãy núi Jabal al Tar ở phía Tây-Tây Bắc; các khu làng al-Bayarat, al-Dawah, al-Dhakira, al-Abyad và mỏ dầu Hiyan ở phía tây; dãy núi Jaza, Làng Dhakara và mỏ dầu Al-Mahr ở phía Bắc; dãy núi Jabal Al-Hayal nằm ở phía nam của thành phố…
Ngoài ra, nếu lần này quân đội Syria để mất sân bay quân sự T4, IS sẽ có thêm một cứ điểm ngoại vi của Palmyra để lập thế ỷ giốc, sẵn sàng đánh tạt sườn quân đội Syria tham gia tái chiếm thành cổ và chặn các con đường tiếp viện từ thị trấn al-Qaryatain lên.
Nếu chỉ tính riêng một mình Palmyra, quân đội Syria có thể giải phóng trong vài ngày nhưng để đánh được tới thành cổ này, SAA phải quét sạch các khu vực ngoại vi nói trên và đó là điều không hề dễ dàng nếu IS phòng thủ chặt ở các cứ điểm này và có sự linh hoạt trong tác chiến.
Để lấy ví dụ, trước khi giành lại Palmyra hồi tháng 3 vừa qua, quân đội Syria đã phải tiến hành một chiến dịch vô cùng gian khổ kéo dài tới 10 tháng ở khu vực từ Palmyra cho đến al-Qaryatain, thì mới có thể nhổ bỏ được các cứ điểm xung quanh, tiếp cận và giải phóng thành cổ này.
Để làm được điều này họ đã huy động một lực lượng vô cùng lớn, bao gồm hàng chục nghìn quân của lữ đoàn 120 thuộc sư đoàn 2; lực lượng của lữ đoàn Diều hâu Sa mạc (Liwaa Suqour Al-Sahra), Lữ đoàn Lá chắn Qalamoun (Dara’ Qalamoun), lực lượng vũ trang địa phương (NDF), tiểu đoàn Al-Ba’ath (Kataebat Al-Ba’ath), một bộ phận vũ trang của đảng Xã hội Dân chủ Syria (SSNP); lực lượng Tiger, Lữ đoàn 67 thuộc Sư đoàn tăng số 18, một bộ phận của lực lượng Hezbollah,
Chỉ tính riêng khu vực ngoại vi phía tây Palmyra, quân đội Syria đã phải triển khai một trận chiến giằng co kéo dài tới 6 tháng mới chiếm được làng ngôi làng nhỏ al-Dawah, áp sát được thành cổ và đánh vào nội đô.
Nói như vậy để chúng ta biết rằng, mặc dù hiện nay quân đội Syria đã có điều kiện tập trung binh lực lớn, các khu vực phụ cận Palmyra cũng đã được giải phóng nhiều hơn, quân đội Syria có thể không phải mất đến 10 tháng nhưng việc tái chiếm là điều không hề dễ dàng. Do đó, không thể có chuyện Nga và Syria thả IS vào Palmyra.
Thứ hai: Nga biết kế hoạch của IS và lừa chúng vào Palmyra để diệt
Đây là quan điểm vô cùng sai lầm về quân sự, có thể ví như việc đuổi gà ra đồng trống để nhử cáo.
Quan điểm này dựa trên lập luận là lực lượng trinh sát Nga và Syria không thể không biết việc hơn 5000 quân IS và vũ khí hạng nặng tập trung trên chiến trường Palmyra nên việc để mất thành cổ được coi là hành động vờ thua để lừa IS vào "rọ" để tiêu diệt.
Thế nhưng cách "đếm cua trong lỗ" này hoàn toàn sai lầm nếu IS không cố thủ trong thành cổ mà triển khai phòng thủ ở các vành đai bên ngoài, đồng thời tiếp tục tăng quân đánh chiếm các mục tiêu ở phía Tây Palmyra, tiến sâu vào nội địa, khiến quân đội Syria tiếp tục phải chống đỡ ở các khu vực khác.
Hơn nữa, không thể có chuyện Nga biết trước âm mưu của khủng bố Nhà nước Hồi giáo mà lại không chủ động đập tan nó ngay từ trong trứng nước, lại dâng Palmyra cho IS để rồi sau đó phải thự hiện một chiến dịch đánh chiếm lại đầy may rủi.
Nếu Nga biết trước việc IS chuyển quân lớn từ Mosul sang Iraq hay từ Raqqa hoặc Deir ez-Zor xuống Palmyra thì họ hoàn toàn có thể tiến hành không kích giữa đường, kết hợp với việc quân đội Syria sẽ tổ chức mai phục tiêu diệt các cánh quân IS hoặc là chờ chúng tập kết ở các bàn đạp tiền duyên rồi bất thần không kích diệt sạch.
Nếu biết được âm mưu của IS Nga có thể không kích giữa đường kết hợp với mai phục để diệt sạch IS
Đây là phương án tối ưu, vừa diệt gọn các cánh quân IS vừa bảo đảm an toàn cho thành cổ. Bởi vậy, nếu biết trước âm mưu của IS, Nga đâu cần phải áp dụng "tối kế", để cho IS đánh tan các cứ điểm ngoại vi, phá vỡ trận địa phòng ngự tấn công vào nội đô rồi mới rút quân?
Xét đến việc thành cổ hơn 2000 năm tuổi Palmyra là biểu tượng của đất nước Syria, việc giành lại nó từ tay IS tháng 3 vừa qua được coi là biểu tượng chiến thắng của SAA chúng ta thấy rằng, Nga và quân đội Syria càng không có lí do để cho IS giành lại quyền kiểm soát Palmyra một lần nữa, khiến cả căn cứ T4 cũng lâm vào tình trạng nguy ngập.
Ngoài ra, việc IS thần tốc đánh chiếm các cứ điểm của Syria cũng đã xảy ra nhiều lần và cũng đã từng xảy ra đối với Palmyra. Vào hồi tháng 5/2015, các tay súng IS đã phát động một cuộc tấn công tương tự vào Palmyra và chỉ mất có 48h để chiếm được thành cổ này.
Dựa trên những lập luận trên, chúng ta có thể kết luận rằng, việc để mất Palmyra là do Nga và quân đội Syria quá tập trung vào chiến trường Aleppo nên đã lơ là, mất cảnh giác trước các động thái chuyển quân của IS.
Hơn nữa, phía Đông và phía Bắc Palmyra là các tỉnh Raqqa và Deir ez-Zor đều có sự hiện diện của các tay súng khủng bố IS, giao tranh ở các khu vực chiến sự này rất có thể đã khiến Moscow và Damascus phán đoán sai mục tiêu của IS, dẫn đến bất ngờ về tình huống.