Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga không chấp thuận kế hoạch hòa bình của Ukraine và vẫn sẽ tiếp tục chiến sự quân sự đặc biệt ở quốc gia Đông Âu này:
“Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi nghe những tuyên bố như vậy từ Ukraine. Chúng tôi tiếp tục hoạt động quân sự đặc biệt của mình và sẽ đạt được mọi mục tiêu đã đề ra”.
Trước đó 1 ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo sẽ trình bày với các lãnh đạo hàng đầu của Mỹ về kế hoạch chấm dứt chiến tranh với Nga. Trong cuộc họp báo tại Kiev, ông Zelensky cho biết sẽ chia sẻ kế hoạch này với Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.
Kế hoạch bao gồm các bước tiến triển trên mặt trận ngoại giao và kinh tế, bên cạnh chiến dịch quân sự hiện tại ở tỉnh Kursk của Nga. Theo Tổng thống Ukraine, cuộc xung đột cuối cùng sẽ kết thúc thông qua đối thoại. Tuy nhiên, Ukraine cần đạt vị thế mạnh để thúc đẩy tầm nhìn về hòa bình.
"Hoạt động ở khu vực Kursk là một phần của kế hoạch mà tôi sẽ trao đổi với Tổng thống Joe Biden. Mục đích chính của kế hoạch này là buộc Nga phải chấm dứt chiến tranh. Tôi thực sự muốn nó kết thúc theo các điều khoản công bằng cho Ukraine. Nếu kế hoạch được chấp nhận và thực hiện, điều này cũng rất quan trọng, nếu hai yếu tố này cùng nhau hoạt động, thì chúng tôi tin rằng mục tiêu chính của chúng tôi sẽ đạt được”.
Diễn biến trên cho thấy, cơ hội đối thoại giữa Nga và Ukraine tiếp tục bị bỏ lỡ. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, đã có không ít nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế và cả từ Nga và Ukraine nhằm tìm giải pháp chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đến nay đã bước sang năm thứ ba, gây ra những thiệt hại nặng nề không chỉ cho các bên tham gia trực tiếp, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường an ninh, chính trị, kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên, qua những phát biểu, tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Nga - Ukraine kể từ khi cuộc xung đột quân sự xảy ra vào tháng 2/2022, có thể thấy lý do chính là do chưa có sự nhượng bộ từ cả Nga và Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nói về mong muốn chấm dứt xung đột, nhưng phải tính đến các điều kiện của Nga. Trong khi đó, trong các phát biểu của mình về vấn đề này, Tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky cũng nêu rõ, chấm dứt xung đột bằng biện pháp ngoại giao chỉ diễn ra khi Nga chấp nhận công thức hòa bình của nước này. Một trong những yêu cầu mà phía Ukraine đưa ra chính là công thức hòa bình mà ông Zelensky đề cập vào cuối năm 2022 nhằm chấm dứt xung đột với Nga; trong đó, có yêu cầu Nga rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và bồi thường chiến tranh cho Ukraine. Dù vậy, Nga đã nhiều lần khẳng định, các điều kiện này của Ukraine là phi thực tế.
Với tuyên bố mới nhất của cả Nga và Ukraine, cộng thêm việc giao tranh giữa hai bên vẫn liên tục diễn ra, nhất là sau khi Ukraine mở cuộc tấn công nhằm vào khu vực Kursk của Nga, giờ vẫn chưa phải là thời điểm chín muồi cho việc kết thúc xung đột tại Ukraine. Điều đó đồng nghĩa với việc xung đột vẫn sẽ còn tiếp điễn, bất chấp nỗ lực ngoại giao không ngừng của cộng đồng quốc tế.