Nga và Ukraine: Khi căng thẳng chưa hạ nhiệt

Vũ Anh Tuấn |

Các biện pháp trừng phạt đáp trả lẫn nhau cho thấy căng thẳng Nga - Ukraine vẫn chưa thể hạ nhiệt sau vụ đụng độ trên Eo biển Kerch vào tháng trước.

Ngày 26/12, Nga đã bổ sung 245 người và 7 doanh nghiệp của Ukraine vào danh sách đen trừng phạt đã được nước này công bố hồi đầu tháng 11 vừa qua.

Đáp trả, Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine cũng thông qua quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Điều này phản ánh mối quan hệ giữa Nga và Ukraine vẫn chưa thể hạ nhiệt sau vụ đụng độ trên Eo biển Kerch vào tháng trước.

Các thực thể và cá nhân của Ukraine bị trừng phạt theo sắc lệnh đã được Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev ký. Trong số những đối tượng bị trừng phạt có các công ty quốc phòng, năng lượng, bảo hiểm và hạ tầng của Ukraine. Thị trưởng Odessa và các quan chức cấp cao khác của Ukraine cũng nằm trong diện bị trừng phạt.

Như vậy, tính đến nay đã có 567 cá nhân và 75 công ty của Ukraine chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế của Nga, trong đó có việc bị đóng băng tài sản. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Nga Medvedev nói rằng, các biện pháp trừng phạt này là nhằm bảo vệ các lợi ích của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Nga.

Đáp trả những lệnh trừng phạt của Nga, cùng ngày, Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine đã thông qua quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Trong một tuyên bố, cơ quan báo chí của hội đồng trên nêu rõ:

"Hội đồng quyết định ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, chủ yếu nhằm vào những cá nhân và thực thể hợp pháp: các công ty Nga, doanh nhân, chính trị gia và nghị sĩ, nhân viên của các cơ quan thực thi pháp luật".

Theo tuyên bố, các cá nhân và thực thể bị trừng phạt do ủng hộ và thúc đẩy những hành động chống lại Ukraine. Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine cũng chỉ đạo lực lượng biên phòng nước này tăng cường an ninh tại khu vực biên giới với Nga.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thông báo các lệnh trừng phạt mới liên quan đến những cá nhân Nga dính líu tới vụ bắt giữ tàu hải quân của Ukraine hôm 25/11.

Ông Poroshenko cho biết những đối tượng nằm trong diện trừng phạt của nước này bao gồm nhiều nghị sỹ Đuma quốc gia Nga (Hạ viện). Ngoài ra, Ukraine cũng thông báo có kế hoạch đưa tàu chiến tới các cảng biển Azov qua Eo biển Cớt bất chấp việc Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc xâm phạm lãnh hải ngày 25/11, trong khi Ukraine đã bác bỏ cáo buộc này.

Tổng thống Poroshenko tuyên bố: “Chúng tôi khẳng định chắc chắn rằng, Ukraine không bao giờ ngừng sử dụng các cảng Azov của mình bao gồm các tàu quân sự. Luật pháp quốc tế đứng về phía chúng ta, quốc tế đứng về phía chúng ta và chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các biện pháp ngoại giao”.

Quan hệ Nga và Ukraine căng thẳng kể từ năm 2014 khi cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và Nga sáp nhập trở lại Crimea. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang sau vụ đụng độ trên eo biển Kerch và đến nay, hai nước đã đưa ra thông báo trái chiều và chỉ trích lẫn nhau.

Theo các nhà phân tích, cuộc đụng độ tại eo biển Kerch chỉ là những tiếp nối những mâu thuẫn cơ bản giữa hai nước trong vòng 5 năm qua. Việc 2 nước hôm qua tiếp tục các biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau cho thấy căng thẳng quan hệ giữa Nga và Ukraine chưa thể sớm hóa giải trong thời gian ngắn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại