Cựu cố vấn an ninh Mỹ: Ukraine muốn đàm phán hòa bình trước khi phương Tây mệt mỏi vì xung đột

Bảo Hà |

Theo một cựu cố vấn an ninh Mỹ, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đang đặc biệt muốn gửi tín hiệu tới châu Âu rằng ông sẵn sàng đàm phán hòa bình để tránh bị chỉ trích về một cuộc xung đột kéo dài.

Đống đổ nát ở Makeyevka, Donetsk sau khi bị Ukraine pháo kích. Ảnh: Sputnik

Đống đổ nát ở Makeyevka, Donetsk sau khi bị Ukraine pháo kích. Ảnh: Sputnik

Trả lời phỏng vấn tờ Fox News, Cựu Trợ lý Đặc biệt về An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush Michael Allen cho rằng Tổng thống Zelensky đang tìm cách đưa Nga ra khỏi đất nước của mình trước khi phương Tây cảm thấy mệt mỏi với cuộc xung đột.

"Tôi nghĩ rằng Zelensky biết ông ấy phải tiếp tục tiến lên và đưa Nga ra khỏi lãnh thổ của mình trước khi phương Tây mệt mỏi với việc tài trợ cho chiến dịch tại đất nước của ông ấy", ông Allen chỉ ra.

Theo chuyên gia này, Tổng thống Zelensky đặc biệt muốn gửi tín hiệu tới người châu Âu rằng ông ấy sẵn sàng đàm phán hòa bình để tránh bị chỉ trích về một cuộc xung đột kéo dài.

Đây là lý do tại sao Tổng thống Zelensky đề xuất một hội nghị thượng đỉnh hòa bình.

Về phần mình, trong một tuyên bố mới nhất đăng trên mạng xã hội Telegram, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga ông Leonid Slutsky thì cho rằng đối với một Ukraine bị bên ngoài tác động, bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng không có giá trị.

Theo ông Slutsky, Ukraine đang đánh mất chủ quyền và sự độc lập. Bên cạnh đó, đàm phán với giới lãnh đạo của nước này sẽ chẳng có giá trị gì chừng nào đất nước còn bị bên ngoài tác động. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Slutsky bình luận về tuyên bố của Tổng thư ký (TTK) Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg.

Trước đó, TTK NATO phát biểu trên đài BBC rằng phương Tây nên tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine để buộc Nga phải ngồi xuống đàm phán cũng như công nhận Ukraine là một quốc gia châu Âu có chủ quyền và độc lập.

Theo ông Slutsky, Ukraine vẫn là một quốc gia và không ai thách thức tình trạng này. Mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt là bảo vệ công dân Nga, chứ không phải để tiêu diệt Ukraine.

Ông Slutsky nhấn mạnh Kiev đang mất chủ quyền và độc lập nhanh chóng vì những người bảo trợ phương Tây.

Hiện xung đột Nga-Ukraine bước sang tháng 11 với việc hai nước đột ngột thay đổi chiến thuật tấn công.

Trong khi Ukraine bắt đầu sử dụng máy bay không người lái tấn công cơ sở năng lượng của Nga thì Nga cũng bắt đầu chú ý tới việc làm suy yếu năng lực tấn công tầm xa bằng máy bay không người lái của Ukraine.

Trong một diễn biến mới nhất, vào đêm giao thừa, quân đội Nga đã gánh chịu tổn thất nặng nề khi Ukraine sử dụng tên lửa HIMARS đánh trúng vào vị trí trú quân tạm thời của lực lượng Nga ở Donbass.

Ngày 2/1, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận 63 binh sĩ Nga thiệt mạng trong vụ tấn công bằng tên lửa HIMARS của Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại