Các biện pháp trừng phạt "sẽ trì hoãn việc hoàn thành" đường ống dưới biển, Peter Beyer, điều phối viên về quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Thủ tướng Angela Merkel nói.
"Nhưng tôi dự tính đường ống sẽ được hoàn thành vào nửa cuối năm 2020", ông nói với đài phát thanh Deutschlandfunk của Đức.
Dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 ban đầu dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2020 với mục tiêu đi vào hoạt động từ giữa năm 2020.
Moscow cũng khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không thể hủy bỏ dự án. "Các biện pháp trừng phạt như vậy là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi và chúng tôi tin tưởng rằng các biện pháp đó sẽ không ngăn cản việc hoàn thành xây dựng một dự án quan trọng như vậy", phát ngôn viên của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
"Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ không để các bước như vậy diễn ra mà không đáp trả," ông nói. "Khi nào và làm thế nào việc đáp trả sẽ được thực hiện thì còn phụ thuộc vào lợi ích quốc gia của Nga."
Cả Moscow và Berlin đã phản ứng dữ dội với các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt hôm thứ Sáu tuần trước đối với đường ống 9,5 tỷ euro (10,6 tỷ USD) dưới biển Baltic.
Thông báo của Mỹ về việc đóng băng tài sản và cấm cấp thị thực nhắm vào các công ty tham gia dự án ngay lập tức đã khiến nhà thầu đặt đường ống Thụy Sĩ Allseas tạm dừng công việc của mình tại các đoạn đường còn lại.
Beyer cũng cho biết các giải pháp "thay thế" có thể được tìm ra để hoàn thành dự án tuy nhiên sẽ "gây ra sự chậm trễ và tốn kém hơn". Ông cũng nhắc lại những lời chỉ trích của Đức về động thái của Hoa Kỳ, nói rằng "đó không phải là cách bạn đối xử với bạn bè".
Người phát ngôn của bà Merkel, Ulrike Demmer vào cuối tuần qua cũng tuyên bố các lệnh trừng phạt này là "sự can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi".
Hơn 80% dự án Nord Stream 2 đã được hoàn thành, một nửa trong số đó được tài trợ bởi Gazprom thuộc sở hữu nhà nước của Nga và một nửa bởi năm công ty châu Âu.
Liên minh châu Âu cũng lên án các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nói rằng khối này phản đối "các biện pháp trừng phạt đối với các công ty châu Âu tham gia vào các hoạt động hợp pháp".
Tuy nhiên, dự án này lâu nay đã chia rẽ EU, khi Ba Lan và một số quốc gia vùng Baltic lo ngại Moscow có thể sử dụng đường ống dẫn khí này để gây áp lực chính trị.