Nga ứng phó ra sao trước lệnh trừng phạt “lớn chưa từng có” của phương Tây?

Đình Nam |

Hôm qua (28/2), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp với Thủ tướng, Bộ trưởng tài chính và giới chức ngân hàng nước này để đưa ra các biện pháp ứng phó với các lệnh trừng phạt “lớn chưa từng có” và “chưa dừng lại” của các nước phương Tây.

Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Nga cuối tuần qua đã có tác động ngay lập tức. Hôm qua, đồng ruble giảm giá ở mức thấp kỷ lục và Ngân hàng Trung ương Nga buộc phải tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản, lên 20%.

Nhằm tìm cách ứng phó, Tổng thống Nga Putin hôm qua đã chủ trì một cuộc họp với Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính và người đứng đầu ngân hàng tư nhân lớn nhất của Nga - Sberbank và Ngân hàng Trung ương Nga: “Tôi mời các bạn đến đây để nói về các vấn đề kinh tế và tài chính mà tôi đã thảo luận với Thủ tướng Mikhail Mishustin. Đương nhiên, ý tôi muốn nói là các biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây, như tôi đã gọi là “đế chế của sự dối trá” đang áp đặt lên đất nước của chúng ta”.

Tổng thống Nga V.Putin đã ký Sắc lệnh “Về việc áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt liên quan đến các hành động không thân thiện của Mỹ và các quốc gia nước ngoài, các tổ chức quốc tế đã tham gia”. Sắc lệnh này bao gồm việc cấm chuyển tiền mặt ra nước ngoài. Các nhà xuất khẩu Nga giờ đây sẽ phải giữ 80% dự trữ của họ bằng đồng Ruble, có nghĩa là các tập đoàn lớn như tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga sẽ phải bán ngoại tệ.

Cùng ngày, Nga cũng thông báo đã cấm các chuyến bay từ 36 quốc gia, vùng lãnh thổ đến nước này để đáp trả các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây nhằm vào lĩnh vực hàng không Nga; trong đó bao gồm 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, Canada, vùng Jersey và Gibraltar của Anh.

Theo Reuters, lệnh cấm bay sẽ gây tổn hại cho các hãng hàng không bay qua Nga để di chuyển từ châu Âu đến châu Á. Lệnh cấm buộc các nước phương Tây tìm các tuyến đường bay mới, xa hơn và tốn kém hơn.

Hiện phương Tây cảnh báo, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vẫn chưa dừng lại. Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Ned Price, nếu tình hình Ukraine tiếp tục leo thang, Mỹ và các nước đồng minh sẽ trừng phạt nhiều hơn nữa: “Chúng tôi sẽ làm nhiều hơn nữa, nếu Nga tiếp tục leo thang. Tại thời điểm hiện tại, chúng tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy Nga đã sẵn sàng để thay đổi”.

Cùng ngày, Mỹ cho biết, họ đã cấm tất cả giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga tại Mỹ và đã đóng băng dự trữ của ngân hàng này, trong khi Thụy Sỹ cũng tuyên bố họ sẽ áp dụng các biện pháp tương tự như EU công bố vào cuối tuần.

Còn Thủ tướng Canada - Justin Trudeau khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine và có kế hoạch cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga: “Hôm nay, chúng tôi công bố ý định cấm tất cả nhập khẩu dầu thô từ Nga. Một ngành đã mang lại lợi ích rất nhiều cho Tổng thống Putin và các nhà tài phiệt Nga. Ngành này chiếm hơn 1/3 nguồn thu ngân sách liên bang của Nga”.

Hiện tình hình Ukraine diễn biến khá phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine hôm qua không đạt được kết quả. Sau cuộc đàm phán kéo dài 5 giờ, các cuộc giao tranh tiếp tục xảy ra; Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập EU ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại