Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya (giữa) trao đổi với các trợ lý trước cuộc họp tại Hội đồng Bảo an ngày 6-9 - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi lấy làm tiếc khi nguồn gốc của các trận pháo kích vào Zaporizhzhia đã không được nêu đích danh. Chúng tôi hiểu các vị là một cơ quan quản lý hạt nhân quốc tế, nhưng trong tình hình hiện nay, cần phải chỉ mặt điểm tên", Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya tỏ ra thất vọng trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 6-9 (giờ Mỹ).
Ông Rafael Grossi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cũng tham dự cuộc họp theo hình thức trực tuyến. Hồi tuần trước, một nhóm các thanh sát viên của IAEA đã tới Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine nhưng Nga đang kiểm soát.
Chuyến đi diễn ra sau khi cả Nga và Ukraine đều cáo buộc bên còn lại đã pháo kích vào khu vực gần nhà máy, làm dấy lên lo sợ thảm họa hạt nhân do đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu với 6 lò phản ứng.
Trong báo cáo được công bố ngày 6-9, IAEA đánh giá các cuộc pháo kích hiện thời chưa gây ra tình trạng khẩn cấp hạt nhân nhưng có những tác động tiềm tàng, có thể gây rủi ro rò rỉ phóng xạ. Cơ quan này cũng đưa ra 7 khuyến nghị, bao gồm thiết lập một khu vực phi quân sự quanh Nhà máy Zaporizhzhia để đảm bảo an toàn
Tuy nhiên khuyến nghị này dường như đã bị phớt lờ khi các cuộc pháo kích vẫn tiếp diễn ở gần nhà máy trong ngày 6-9.
Phía Nga nhiều lần lập luận họ không thể là bên pháo kích vào khu vực nhà máy do các binh sĩ của họ vẫn đang ở đây làm nhiệm vụ bảo vệ. Tuy nhiên, Kiev và các nước phương Tây khác cho rằng vấn đề chính là ở việc Nga đang kiểm soát nhà máy.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 6-9 - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an ngày 6-9, Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya tiếp tục nêu quan điểm chẳng có vấn đề gì với nhà máy cho đến khi Nga đưa quân và chiếm lấy khu vực này.
"Thế giới cần phải có được các thanh sát viên đặc biệt của IAEA, những người không chỉ buộc Nga phi quân sự hóa nhà máy mà còn buộc họ phải trả nhà máy ấy cho Ukraine", ông Kyslytsya nêu quan điểm.
Cùng xuất hiện tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 6-9, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tiếp tục kêu gọi Nga và Ukraine vượt qua khác biệt, cùng thực hiện các bước để giảm nguy cơ thảm họa hạt nhân, đảm bảo an toàn cho nhân loại.
Theo đó, đầu tiên là các lực lượng Nga và Ukraine cam kết hạn chế hoạt động quân sự trong và xung quanh Nhà máy Zaporizhzhia.
"Bước thứ hai, đảm bảo một thỏa thuận về chu vi khu phi quân sự", ông Guterres nói trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
"Thỏa thuận này sẽ bao gồm cam kết của các lực lượng Nga về việc rút tất cả quân nhân và thiết bị ra khỏi khu vực phi quân sự. Ở chiều ngược lại, Ukraine cũng cần cam kết không đưa quân vào nhà máy", người đứng đầu Liên Hiệp Quốc nêu các bước đi cụ thể.