"Điều tốt nhất để tưởng nhớ họ là tiếp tục công việc phát triển các vũ khí mới. Chúng ta đang hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh đất nước", Giám đốc Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga (Rosatom), ông Alexei Likhachev ngày 12-8 tuyên bố tại lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ thử vũ khí ở Arkhangelsk hồi tuần trước, theo TASS.
Trước đó, Rosatom xác nhận ít nhất 5 nhà khoa học thiệt mạng và vài người khác bị thương khi thử nghiệm động cơ tên lửa cho mẫu vũ khí thế hệ mới sử dụng nhiên liệu lỏng ngoài khơi bờ biển Arkhangelsk.
Truyền thông Nga dẫn lời giới chức nước này nói rằng vụ tai nạn xảy ra khi nhiên liệu tên lửa bất ngờ phát nổ khiến nhiều chuyên gia rơi xuống biển. Sau vụ nổ, các chuyên gia đo được nồng độ phóng xạ cao hơn bình thường, song Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh mọi thứ đều trong tầm kiểm soát.
Sau vụ nổ, đài CNN dẫn lời các chuyên gia Mỹ nhận định sự cố xảy ra trong quá trình thử nghiệm động cơ của tên lửa Burevestnik, một trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố hồi tháng 3-2018.
Burevestnik là "siêu tên lửa hành trình" có tầm bắn không giới hạn và sức công phá khổng lồ nhờ kích thước lớn và trang bị động cơ hạt nhân. Loại vũ khí này được các chuyên gia đánh giá là không thể đánh chặn vì có tốc độ cao và khả năng bay quỹ đạo thấp.
Tình báo Mỹ cho biết Nga từng nhiều lần phóng thử tên lửa Burevestnik hồi cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Thông tấn TASS của Nga hồi tháng 2 dẫn nguồn tin quân đội tiết lộ tên lửa Burevestnik đã được thử nghiệm thành công.
Tuy vậy, vụ nổ ở Arkhangelsk vẫn khiến nhiều người cho rằng Nga cần một quy trình cẩn trọng hơn trong thử nghiệm vũ khí. Cách đây vài tuần, Moscow cũng mất 14 chuyên gia vì vụ nổ trong tàu ngầm thử nghiệm ở Severomorsk.