Trong cuộc họp riêng với Tổng thống Vladimir Putin , Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo nguyên nhân chính dẫn đến thảm kịch khiến 14 quân nhân Nga thiệt mạng ngày 1/7 là do hỏa hoạn trong khoang pin. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều chi tiết khác chưa được Bộ Quốc phòng Nga giải thích rõ ràng khiến người ta không khỏi hoài nghi về tính “mật” của vụ việc.
Để “vén màn” toàn bộ bí mật xung quanh thảm kịch này, tờ “Novaya Gazeta” của Nga đã đặt các câu hỏi chưa được giải thích rõ ràng cho các chuyên gia và các thủy thủ tàu ngầm có kinh nghiệm, trong đó có cả các chuyên gia chữa cháy trên tàu ngầm, và nhận được lời đáp như sau:
- Tại sao có đến 2 Anh hùng nước Nga và 7 sĩ quan cao cấp cùng có mặt trong một thủy thủ đoàn?
Họ là những nhà thám hiểm nước sâu, những chuyên gia cao cấp xuất sắc. Công việc ở dưới độ sâu lớn của họ luôn tiềm ẩn nguy hiểm. Thế nên, cấp bậc của họ sẽ thăng tiến rất nhanh, cùng với đó là rất nhiều huân huy chương. Trước đây, họ được trả lương rất hậu hĩnh, tuy giờ đây có giảm đôi chút, nhưng quy chế khen thưởng vẫn được giữ nguyên như trước.
- Thủy thủ đoàn AS-31 có thể thực hiện những nhiệm vụ nào?
Những thủy thủ tàu ngầm kiêm thám hiểm này được tập hợp thành các đội để thực hiện một số công tác và nhiệm vụ nhất định. Ví dụ như khi thực hiện nhiệm vụ đo độ sâu dưới đáy biển, trạng thái cơ thể của họ sẽ được kiểm tra trước và sau khi tiến hành lặn. Phạm vi nhiệm vụ mà họ có thể thực hiện là rất rộng, thậm chí có thể là đặt đường ống và dây cáp ngầm dưới biển.
- Thực sự có phải đã có một vụ nổ khí ga trong khoang của AS-31 (như nhận định của một số tờ báo)?
Không thể nào. Bởi khi phát nổ khí ga, chiếc tàu lặn sẽ bị hư hại và do đó sẽ không thể nổi lại mặt nước. Nhưng trong trường hợp của AS-31, con tàu vẫn còn nguyên vẹn và đã được đưa trở lại ụ tàu.
- Điều gì thực sự đã xảy ra trên chiếc AS-31?
Kịch bản có khả năng nhất đó là một đám cháy bùng phát bất ngờ. Có lẽ do chập điện. “Nếu con tàu nổi lại được mặt nước, chứng tỏ đám cháy đã được dập tắt”, chuyên gia nhận định.
- Làm thế nào mà có thể xuất hiện đám cháy trên một thiết bị lặn nước sâu, khi mà, về mặt lý thuyết, điều đó là không thể?
Nguyên nhân có thể là do dư thừa lượng oxy trong khoang tàu, thường được gọi là hiện tượng “đóng băng”. Hiện tượng này thường xảy ra do lỗi của hệ thống hoàn nhiệt hóa học. Khi nồng độ oxy trong không khí tăng đến 30%, khả năng xảy ra hỏa hoạn cũng sẽ tăng theo cấp số nhân.
Ở mức oxy 25%, xác suất cháy tăng lên gấp 2 lần so với mức 20%. Nhưng nếu từ 19% trở xuống, xác suất cháy sẽ chỉ còn một nửa so với mức 20%.
Vào những năm 1980, các nhà khoa học Liên Xô có phát triển một chương trình nhằm giảm tỷ lệ oxy trong không khí, nhưng đồng thời vẫn duy trì được khả năng làm việc của thủy thủ đoàn trong các thiết bị lặn biển sâu. Mục đích của nó chính là để giảm thiểu nguy cơ gây cháy nổ trong tàu.
Kết quả là người ta đã có thể đưa tỷ lệ oxy xuống còn 12%, khiến nguy cơ bùng phát cháy dường như là không thể. Không những thế, trong điều kiện đó, các thủy thủ vẫn có thể làm việc bình thường mà không có hậu quả nào đối với cơ thể. Chương trình này được áp dụng chủ yếu cho các tàu ngầm cỡ nhỏ.
- Với chương trình như vậy thì tại sao lại xảy ra hiện tượng dư thừa oxy trong AS-31?
Các vấn đề đã phát sinh khi người ta đưa chương trình giảm nồng độ oxy trong không khí vào sử dụng. Vấn đề thứ nhất là tâm lý hoài nghi của các thủy thủ. Bất chấp những kết quả nghiên cứu thực tế, họ vẫn không thể hiểu làm thế nào có thể làm việc với 12% oxy, và thế là họ yêu cầu giữ ở mức 21-25%.
Vấn đề thứ hai chính là vấn đề chậm kinh phí, thiếu kinh phí từ Bộ Quốc phòng.
- Tại sao các thủy thủ không sử dụng thiết bị thở cầm tay cá nhân khi có đám cháy trong khoang?
Chiếc AS-31 có một lượng không gian rất hạn chế. Trong điều kiện như vậy, khi có cháy, nồng độ CO (cacbon monoxit) sẽ ngay lập tức đạt tới 1000 ppm (ngưỡng tối đa cho phép) chỉ trong 1 giây, cộng với một đám khói dày đặc. Rõ ràng, các thủy thủ sẽ không kịp sử dụng thiết bị bất cứ thiết bị nào.