"Chúng tôi có đủ tiềm lực để ngăn chặn tên lửa siêu thanh của Mỹ khi chúng được vận chuyển đến châu Âu, nhưng thủ đô của các quốc gia châu Âu là nạn nhân tiềm tàng" , người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói về khả năng Washington triển khai tên lửa siêu thanh tới châu Âu.
Ông Dmitry Peskov lưu ý, trong suốt quá trình diễn ra Chiến tranh Lạnh, tên lửa của Mỹ đặt tại châu Âu đều nhắm vào Nga và tên lửa của Nga cũng nhắm vào châu Âu. Điều đó khiến nhiều quốc gia trong lục địa này trở thành nạn nhân chính.
Theo người phát ngôn điện Kremlin, nghịch lý ở đây là Mỹ vẫn kiếm được tiền từ việc triển khai vũ khí ở châu Âu, trong khi châu Âu lại "nằm trong tầm ngắm của tên lửa".
Hôm 11/7, Nga cũng đưa ra phản ứng về kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa mới tại Đức bắt đầu từ năm 2026 của Mỹ. Đại sứ Liên bang Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nêu rõ về cơ bản đây là kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu. Washington đang mắc phải sai lầm nghiêm trọng. Những bước đi gây bất ổn cao độ như vậy đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc tế và ổn định chiến lược.
Mỹ đang làm tăng nguy cơ chạy đua vũ trang tên lửa và quên rằng đi theo con đường đối đầu có thể gây leo thang không thể kiểm soát trong bối cảnh căng thẳng gia tăng nguy hiểm giữa Nga - NATO.
Theo tuyên bố chung giữa Washington và Berlin được công bố trước đó, vào năm 2026, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai vũ khí tầm xa ở Đức nhằm tăng cường sức mạnh cho NATO và đảm bảo phòng thủ châu Âu. Đây là bước đi mới lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Đại diện của Đức và Mỹ cho biết, động thái triển khai theo đợt là để chuẩn bị cho triển khai dài hạn một số vũ khí, đặc biệt là tên lửa SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và trong tương lai là vũ khí siêu vượt âm, có tầm bắn lớn hơn nhiều so với các hệ thống mặt đất hiện tại ở châu Âu.