Theo hãng tin TASS, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói với các phóng viên hôm 27-5 rằng lực lượng phòng không nước này đã đánh chặn được 2 quả tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow, 19 tên lửa khác được phóng từ hệ thống phóng loạt HIMARS và 2 tên lửa chống radar HARM.
Hệ thống HIMARS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine - Ảnh: AP
Storm Shadow là siêu tên lửa trứ danh của Anh, được nước này viện trợ cho Ukraine đầu tháng 5; trong khi đó HIMARS là hệ thống pháo phản lực cơ động cao, HARM là tên lửa không đối đất chiến thuật, cả hai đều do Mỹ sản xuất và cung cấp cho Ukraine.
Ông Konashenkov cho biết tất cả các tên lửa nói trên bị đánh chặn chỉ trong 24 giờ qua, đồng thời 12 máy bay không người lái của Ukraine cũng bị bắn hạ ở nhiều vùng gồm Lugansk, Donets, Zaporozhye...
Trong khi đó, đài RT trích dẫn phát ngôn của hai "người trong cuộc" giấu tên của quân đội Đức trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung rằng Ukraine đang kêu gọi viện trợ tên lửa Taurus của Thụy Điển - Đức.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được cho là đã đưa ra đề nghị trên trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi đầu tháng.
RT cho biết hiện vẫn chưa rõ Berlin có chấp thuận yêu cầu này hay không, nhưng cho rằng điều này khiến Berlin rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan", do lo ngại loại vũ khí này có thể làm leo thang căng thẳng.
Taurus là loại vũ khí có thể di chuyển trên quãng đường dài tận 500 km và được trang bị đầu đạn nặng 500 kg, đủ sức từ bên kia biên giới Ukraine bắn tới Moscow. Trước đó Bộ Ngoại giao Nga đã lên án Anh khi họ cung cấp cho Ukraine Storm Shadow với tầm bắn 250 km.
Tên lửa tầm cực xa Taurus của Đức - Thụy Điển - Ảnh: SAAB