Nga tuyên bố coi máy bay Mỹ ở Syria là mục tiêu: Chỉ đe dọa cho có?

Linh Nguyễn |

Hồi đầu tuần qua, Nga cảnh báo sẽ coi máy bay Mỹ tại miền tây Syria là "mục tiêu trên không", sau khi một chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi chiếc Su-22 của quân đội Syria vào 18/6.

Theo Newsweek, cả Nga và Mỹ đều tham gia vào nội chiến Syria, nhưng ở hai đầu chiến tuyến: Moscow ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Washington liên quân với lực lượng nổi dậy phản đối chính quyền.

Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga đều đe dọa đáp trả các động thái quân sự của Mỹ tại Syria bằng cách "theo dõi" máy bay Mỹ, và cắt đứt kênh liên lạc với lực lượng Mỹ tại Syria.

Tuy nhiên, các chuyên gia Nga hoài nghi về khả năng Moscow sẽ thực sự hành động cứng rắn, hay chỉ đang dựa vào lời lẽ gay gắt nhằm thị uy.

Newsweek ghi nhận, đây không phải lần đầu tiên Nga đe dọa cắt đứt liên lạc với Mỹ. Vào tháng 4/2017, Bộ Ngoại giao Nga dọa đóng đường dây liên lạc được thiết lập năm 2015 nhằm tránh va chạm trên không, để đáp lại việc Mỹ không kích một căn cứ không quân Syria.

Cắt đứt liên lạc

Nhà nghiên cứu Sarah Lain thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về Quốc phòng - An ninh (RUSI) tại London cho rằng, Nga sẽ không thực sự chấm dứt liên lạc với Mỹ, giống như với sự việc vào tháng 4.

"Trên thực tế, khả năng cao là Nga sẽ không hủy đường dây nóng, vì việc này không mang lại lợi ích gì cho Moscow", Lain nhận định.

"Đây không chỉ là việc tiết chế hành động của Nga và đồng minh, mà còn cho thấy sẽ rất khó đoán định phản ứng của Mỹ trước căng thẳng trong khu vực."

Theo bà Lain, dưới chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Obama, Moscow nhanh chóng trở thành tay chơi quan trọng trong chiến tranh Syria "dựa trên tính toán rằng liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ không phản ứng bằng cách đối đầu với quân chính phủ".

Còn với chính quyền Tổng thống Donald Trump, "quân đội Mỹ rõ ràng được cho phép hành động ráo riết hơn trong chiến dịch tại Syria. Điều này khiến Nga không còn hành động tự do như trước nữa".

Keir Giles, chuyên gia quân sự về Nga tại tổ chức chính sách đối ngoại Chatham House nhấn mạnh rằng, ngay cả khi Nga thực sự chấm dứt đường dây nóng, vẫn có nhiều phương thức giao tiếp giữa hai lực lượng quân sự, bởi "việc cắt đứt đường dây nóng không có nghĩa là họ không trao đổi về việc giảm căng thẳng bằng nhiều cách khác".

CNN ghi nhận, Bộ Tham mưu Mỹ và chỉ huy phía Nga có thể vẫn duy trì liên lạc. Theo Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Joseph F. Dunford, hai trung tâm chỉ huy của Nga và Mỹ vẫn giữ liên lạc với nhau.

Nga tuyên bố coi máy bay Mỹ ở Syria là mục tiêu: Chỉ đe dọa cho có? - Ảnh 1.

Phi công Úc chuẩn bị lên chiến đấu cơ F/A-18F bay tới Syria. Ảnh: Getty

Bắn hạ máy bay Mỹ

Phản ứng gay gắt hơn đến từ Bộ Quốc phòng Nga. Cơ quan này tuyên bố sẽ đáp trả các chiến đấu cơ Mỹ ở phía tây Syria, được gọi là "mục tiêu trên không". Tuy nhiên, phản ứng của Bộ Quốc phòng Nga không nhắc đến điều kiện gì sẽ khiến hệ thống phòng không của Nga ở Syria khai hỏa nhắm vào không lực Mỹ.

"Phản ứng của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy nỗ thực ngăn cản việc phải đối đầu trên lãnh thổ Syria," chuyên gia Sarah Lain nhận định. Lời đe dọa không rõ ràng và không chắc chắn sẽ có hành động đi kèm là một trong những lá bài mà Nga hay dùng trong trường hợp tương tự.

"Họ phải đưa ra phản ứng ngay lập tức", bà Lain cho biết, và chỉ ra rằng ngoài việc rút khỏi thỏa thuận giảm căng thẳng, một phản ứng khác mà Nga lựa chọn là ngầm ám chỉ việc bắn hạ máy bay Mỹ.

Tuy vậy Nga không thể đi xa đến mức thực sự trả đũa bằng cách bắn hạ máy bay Mỹ, theo chuyên gia Lain, "bởi động thái đó không đem lại lợi ích gì, mà còn có thể khiến chiến tranh cục bộ bùng nổ".

Chuyên gia Giles ghi nhận, theo góc nhìn của truyền thông Nga, tuyên bố của Bộquốc phòng giúp nước này tránh khỏi việc bị yếu thế trước hành động khiêu khích của Mỹ.

Tuy nhiên câu từ trong lời đe dọa của Nga không rõ ràng: Theo dõi máy bay Mỹ có thể chỉ là theo dõi đường bay của máy bay trên radar và không thực sự có động thái bắn hạ.

"Rất khó để chỉ ra rằng liệu chủ đích của Nga có phải là gây hoang mang, hay chỉ là thiếu sự hợp tác chặt chẽ trong nội bộ quân đội và chính quyền Nga," Giles nhận định.

Mặc dù vậy, không thể tự tin khẳng định rằng lời lẽ không rõ ràng của Nga có nghĩa là lời đe dọa của Moscow không mang ý nghĩa gì. Giles nhấn mạnh rằng, động thái của Nga phù hợp với chiến lược chung của quân đội Nga là "đe dọa một cách mơ hồ khiến đối thủ hoang mang và bị động".

"Lời tuyên bố đó đã hiệu quả phần nào, bởi sau đó Australia đã tạm ngưng các hoạt động trên không," Giles cho biết.

"Mặc dù Australia có thể nắm thông tin về chủ đích của Mỹ, hoặc đơn giản chỉ là phản ứng trước tình trạng mơ hồ - động thái này đã chứng tỏ chiến lược của Nga đã thành công khi loại bỏ được một cơ số máy bay thuộc liên minh phe đối lập khỏi bầu trời Syria."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại