Nga tung đòn bất ngờ vào sườn Mỹ ở Hòn đảo Tự do?

Nguyễn Ngọc |

Theo truyền thông Nga, hợp tác quân sự của Belarus, gồm sự hiện diện các tổ hợp MLRS Polonez-M ở Cuba chính là cú đòn của Nga nhằm vào Mỹ.

Theo giới truyền thông Nga, những động thái mới trong chương trình hợp tác quân sự giữa Belarus và “Hòn đảo Tự do” Cuba trong thời gian gần đây có thể tạo ra mối đe dọa bất ngờ và đầy nguy hiểm đối với các căn cứ quân sự của Lầu Năm Góc ở đông nam nước Mỹ và ở Vịnh Mexico.

Theo tờ “Người đưa tin” của Nga, trong những ngày này, một phái đoàn quân sự lớn của Belarus đang có chuyến thăm chính thức tới thủ đô Havana của Cuba, đặc biệt trong nhóm quân nhân cấp cao của Cộng hòa Belarus có người đứng đầu Lực lượng Tên lửa và Pháo binh là Đại tá Ruslan Chekhov.

Có thể việc vị quan chức này tham gia đàm phán đồng nghĩa với việc lên kế hoạch cung cấp các hệ thống tên lửa do Belarus sản xuất cho Cuba, bao gồm cả các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) V-300 Polonez-M, loại pháo-tên lửa được trao danh hiệu “MLRS nguy hiểm nhất Châu Âu”.

V-200 Polonez là hệ thống pháo-tên lửa 300mm của Belarus, được cấu thành từ một đơn vị phóng bao gồm 8 tên lửa được đóng gói trong hai bệ, mỗi bệ bốn tên lửa gắn trên khung gầm dẫn động bốn bánh MZKT-7930 Astrologer.

Các tổ hợp Polonez cơ bản (V-200 Polonaise) với tên lửa V-200 (phiên bản được cấp phép của Belarus của tên lửa A200 của Trung Quốc, do “Học viện Công nghệ Phương tiện Phóng Trung Quốc” - China Academy of Launch Vehicle Technology, phát triển), có tầm phóng 200 km.

Phiên bản V-200 được cho là đã tham gia vào cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020 (tức Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai), được phía Azerbaijan sử dụng để tấn công vào các mục tiêu của Armenia và Quân đội nước Cộng hòa Artsakh tự xưng.

Còn phiên bản nâng cấp cao nhất được định danh là V-300 Polonez-M, phóng tên lửa V-300 cải tiến (phiên bản Belarus của tên lửa A300 Trung Quốc) có tầm bắn tăng lên 290 km.

Mối nguy hiểm chính của Polonez-M đối với Hoa Kỳ là tầm phóng của tên lửa lên tới gần 300km.

Sự xuất hiện của những hệ thống MLRS này ở Cuba sẽ giúp họ có thể kiểm soát không chỉ toàn bộ Vịnh Mexico mà còn cả các căn cứ lớn của Lầu Năm Góc ở bang Florida.

Vì vậy, Polonez-M có thể trở thành công cụ răn đe nghiêm trọng trong cuộc đối đầu giữa Mỹ với Nga - là quốc gia đồng minh có hiệp ước phòng thủ chung với Belarus.

Theo truyền thông đưa tin, quân đội Belarus cũng có tên lửa có tầm bắn lên tới 500km, trong đó có cả các tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander tối tân nhất do Nga sản xuất.

Với các tổ hợp này, bán kính của đạn tên lửa không chỉ bao gồm các công trình trên bờ biển Florida mà còn bao gồm cả sân bay vũ trụ chính của Mỹ tại Cape Canaveral.

Bên cạnh Belarus, Quân đội Nga cũng tỏ ra quan tâm đến việc hợp tác với “Hòn đảo Tự do” Cuba.

Tuần trước, truyền thông Nga đã được phép tiếp cận các kho vũ khí ngầm, nơi hàng nghìn đơn vị vũ khí Liên Xô được cất giữ trong tình trạng trang bị hoàn hảo và một lượng lớn đạn dược.

Theo truyền thông Nga, sự gia tăng hợp tác quân sự Cuba-Belarus, sự hiện diện các tổ hợp MLRS Polonez-M Belarus tại “Hòn đảo Tự do” ở Trung Mỹ đã gợi nhớ lại những ký ức về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Theo đó, sự hiện diện của vũ khí pháo binh tầm xa ở Cuba chính là cú đòn của Điện Kremlin nhằm vào Nhà Trắng, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn đang ngày càng khốc liệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

Nga

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại