Phát hiện chuyển động bất thường ở cảng, nhà ga Triều Tiên đến Nga: Moscow, Bình Nhưỡng đang làm gì?

An An |

Lần đầu tiên từ năm 2018 ghi nhận các chuyến tàu cập cảng ở Rason (Triều Tiên) và hình ảnh vệ tinh cũng tiết lộ, thương mại tăng đột biến từ cả cảng và tuyến đường sắt đến Nga.

Hồi sinh Đặc khu kinh tế

Trong bối cảnh hiện nay, đặc khu kinh tế Rason nằm sát biên giới Trung Quốc và Nga dường như là tâm điểm của sự hợp tác ngày càng tăng của Triều Tiên với Nga.

Với các khu chung cư và thị trường tràn ngập hàng hóa nhập khẩu, Rason từng là điểm đến mơ ước của nhiều người Triều Tiên trước khi các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn được áp dụng và việc đóng cửa biên giới trong thời kỳ đại dịch đã làm suy yếu gần như mọi hoạt động thương mại và du lịch của khu vực.

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, trong những tháng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy khu vực này đã sẵn sàng cho sự trở lại: Lần đầu tiên từ năm 2018, các chuyến tàu cập cảng ở Rason và hình ảnh vệ tinh cũng tiết lộ, thương mại tăng đột biến từ cả cảng và tuyến đường sắt đến Nga.

Jeong Eunlee, chuyên gia về kinh tế Triều Tiên tại Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, cho biết: "Trong bối cảnh xung đột Ukraine hiện nay, Triều Tiên và Nga đang trở nên rất thân thiết, lượng du khách Nga tới Triều Tiên tăng có thể phục hồi du lịch (ở Rason)".

Jeong cho biết, Nga cũng có thể bán than, dầu và bột mì thông qua Rason và nếu có thêm nhiều công nhân Triều Tiên được phép qua biên giới, họ có thể gửi thuốc và các hàng hóa Nga về nhà cho người thân bán.

Phát hiện chuyển động bất thường ở cảng, nhà ga Triều Tiên đến Nga: Moscow, Bình Nhưỡng đang làm gì? - Ảnh 1.

Một phụ nữ Triều Tiên uống bia ở Đặc khu kinh tế Rason năm 2011. Ảnh: Reuters

Theo Cơ quan Xúc tiến Thương mại Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), vào năm 2022, Trung Quốc chiếm 97% tổng thương mại của Triều Tiên.

Nhưng Liên hợp quốc ghi nhận, Nga đã nối lại xuất khẩu dầu sang Triều Tiên vào tháng 12/2022 và đã xuất khẩu 67.300 thùng dầu tinh chế sang Triều Tiên vào tháng 4/2023. Đây là chuyến hàng đầu tiên được báo cáo kể từ năm 2020.

Lee Chan-woo, chuyên gia kinh tế Triều Tiên tại Đại học Teikyo ở Tokyo, cho biết gỗ Nga do thợ gỗ Triều Tiên khai thác có thể được bán lại cho Trung Quốc thông qua đặc khu Rason, thị trấn có khoảng 200.000 dân.

Chuyên gia Hàn Quốc Cho Sung-chan dự đoán ảnh hưởng của Nga ở khu vực này sẽ tăng lên.

"Giả sử tuần trăng mật của Triều Tiên và Nga kéo dài, Triều Tiên có thể nhận được sự hỗ trợ của Nga về lương thực, năng lượng và cơ sở hạ tầng thông qua Rason", Cho nói.

Hậu cần quân đội

Reuters dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ, Hàn Quốc và báo cáo trích dẫn từ hình ảnh vệ tinh của các nhà nghiên cứu phương Tây, kể từ tháng 8, cảng Rason đã chứng kiến ​​các chuyến thăm của các tàu Nga có liên quan đến hệ thống hậu cần quân sự.

Chung Songhak, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược An ninh Hàn Quốc thường phân tích hình ảnh vệ tinh xung quanh Rason, cho biết kể từ cuối năm 2022, các hoạt động đã được phát hiện xung quanh ga Tumangang của Rason, nơi có các tuyến đường sắt nối với Nga.

Phát hiện chuyển động bất thường ở cảng, nhà ga Triều Tiên đến Nga: Moscow, Bình Nhưỡng đang làm gì? - Ảnh 2.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy một cảng ở Primorsky Krai, Nga 10/2023. Ảnh: Reuters

Ông Chung cho biết thêm, nhiều toa tàu được phát hiện sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 7 vừa qua.

Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Nga Alexander Kozlov cũng từng cho biết, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến thăm Nga vào tháng 9, ông đã thảo luận về việc khởi động lại dự án hậu cần chung đang bị đình trệ ở Rason, xây dựng một cây cầu đường bộ mới nối nước này với Nga và cung cấp thêm ngũ cốc.

"Thiên đường hồi sinh"

Kể từ khi cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành chỉ định Rason là đặc khu vào năm 1991, thời điểm sau khi Liên Xô sụp đổ và Trung Quốc mở cửa hơn nữa, các quan chức Triều Tiên đã cố gắng thu hút đầu tư vào khu vực này.

Rason, khu vực lâu đời nhất và lớn nhất trong số 29 khu phát triển kinh tế của Triều Tiên, là trung tâm trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của nước này.

Theo các chuyên gia và ấn phẩm của chính phủ Triều Tiên, đây là một trong những thị trường đầu tiên và lớn nhất của đất nước, nơi có mạng di động đầu tiên của nước này và là địa điểm duy nhất ở Triều Tiên hợp pháp hóa việc mua bán nhà vào năm 2018.

Theo Viện Giáo dục Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, các khu vực khác có kết quả kém do cơ sở hạ tầng yếu kém và các lệnh trừng phạt quốc tế.

Abraham Choi, một mục sư người Mỹ gốc Hàn làm việc về trao đổi tôn giáo với Triều Tiên, cho biết lần cuối ông đến thăm Rason vào năm 2015, ông đã gặp cả khách du lịch Trung Quốc và Nga.

Chuyên gia Lee Chan-woo cho rằng bất kỳ quốc gia giúp hồi sinh đặc khu kinh tế của Triều Tiên, điều đó đều mang lại một điểm sáng tiềm năng cho người Triều Tiên sau nhiều năm hạn chế vì đại dịch.

"Rason bị ảnh hưởng nặng nề hơn những nơi khác ở Triều Tiên vì nó từng nằm ở tuyến đầu của thời kỳ mở cửa", Lee nói. "Bây giờ nhiều cơ sở kinh doanh ở đó đã đóng cửa nhưng ngay khi biên giới mở cửa trở lại hoàn toàn, người Triều Tiên có thể nghĩ rằng thiên đường có thể quay trở lại".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại