Tập trận chung trên biển giữa Nga và Trung Quốc đã trở thành hoạt động thường niên kể từ năm 2012, nhưng đây mới là lần đầu quân đội hai nước tổ chức tập trận ở biển Đông.
Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) của Nhật Bản hôm 29/7 cho rằng, một phần nguyên nhân thúc đẩy cuộc tập trận trên là Mỹ và Hàn Quốc đã quyết định bố trí Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc nhằm đối phó với đe dọa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Nga và Trung Quốc là các bên phản đối quyết liệt động thái của Mỹ-Hàn. Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố việc bố trí THAAD đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lợi ích của Trung Quốc.
Trong khi đó, tờ Zaobao (Singapore) dẫn lời giáo sư Vương Tương Tuệ từ Đại học hàng không vũ trụ Bắc Kinh, Trung Quốc đánh giá cuộc tập trận Nga-Trung vào tháng 9 là tín hiệu cho thấy hai nước sẽ tăng cường hợp tác về quân sự trong các sự vụ ở biển Đông.
Theo ông Vương, hành động của Bắc Kinh và Moscow nhiều khả năng là đòn đáp trả hoạt động của quân đội Mỹ, Nhật Bản, Australia... trong khu vực.
Học giả người Trung Quốc gọi đây là động thái nhằm "tái cân bằng" sức mạnh trong khu vực.
Cho đến nay, Trung Quốc đang là bên "bị cô lập" ở biển Đông bởi hành vi bành trướng, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa trái phép.
Hoạt động tuần tra trên biển và trên không để tuyên bố quyền tự do hàng hải ở biển Đông đã được Mỹ và đồng minh tăng cường kể từ năm ngoái.
Ông Vương Tương Tuệ cho biết, sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Bắc Kinh đã có một loạt động thái quân sự, bao gồm 2 cuộc tập trận quy mô lớn ở biển Đông chỉ trong vòng 1 tháng.
Ông Vương gọi đó là cách thức để Trung Quốc "giải tỏa áp lực quân sự" từ phía Mỹ.
Đây đồng thời là bước đi không thể khác của quân đội nước này nhằm duy trì lòng tin từ dư luận trong nước, trong bối cảnh làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc phản đối phán quyết PCA lên cao.
Zaobao bình luận, so với dự đoán trước khi PCA ra phán quyết, rằng Bắc Kinh có thể tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông để phản ứng, thì hành động của quân đội Trung Quốc vẫn cho thấy thái độ kiềm chế nhất định.
Theo Zaobao, điều này có thể liên quan đến việc Mỹ đã nỗ lực "ngoại giao thầm lặng" nhằm làm hạ nhiệt căng thẳng khu vực vào thời điểm ngay sau phán quyết.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 28/7 cho biết Washington hy vọng cuộc tập trận ở biển Đông của Nga-Trung không làm leo thang căng thẳng khu vực.
Kirby nói: "Bản thân hoạt động tập trận không hẳn sẽ làm gia tăng mâu thuẫn. Chủ yếu là hoạt động đó được triển khai như thế nào."
"Nga và Trung Quốc tranh thủ cơ hội tổ chức tập trận hai bên và nhiều bên là điều có thể đoán trước. Nhưng chúng tôi kỳ vọng cuộc tập trận sắp tới sẽ phù hợp với luật pháp và nghĩa vụ quốc tế."