Nga-Trung Quốc: Khi đối tác sử dụng nhau làm đối trọng chiến lược như những "đồng minh"

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Huawei bị Mỹ cấm cửa thì thị trường Nga lại càng thêm quan trọng với Trung Quốc. Nord Stream 2 bị Mỹ cản phá thì việc hợp tác năng lượng với Trung Quốc lại rất cần với Nga.

Nhìn từ chuyến đi Nga của Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga hay Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Trung Quốc đều là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng và với tác dụng to lớn đối với mối quan hệ giữa hai nước láng giềng của nhau này.

Nhưng cho đến nay, ông Putin và ông Tập Cận Bình đã gặp nhau rất nhiều lần, chính thức cũng như không chính thức, ở hai nước cũng như bên lề những sự kiện quốc tế, đến mức những sự kiện như thế đã trở thành thông lệ không thể thiếu đối với cặp quan hệ này.

Dù vậy, chuyến đi Nga vừa rồi của ông Tập Cận Bình xem ra rất khác.

Khác không phải ở kết quả cụ thể của sự kiện mà ở bối cảnh tình hình và thực trạng của mối quan hệ giữa hai nước này với Mỹ.

Khác không phải ở chỗ hai bên có nhu cầu cấp thiết hơn về thống nhất quan điểm và phối hợp hành động ở những vấn đề chính trị thời sự của thế giới liên quan trực tiếp đến lợi ích chiến lược của họ và ảnh hưởng chính trị thế giới của họ mà ở chỗ hai bên đều muốn trước hết phô trương họ thật sự cùng hội cùng thuyền với nhau như thế nào, đồng thuận quan điểm với nhau cao độ ra sao để bên ngoài, đặc biệt và trước hết những đối tác và đối thủ hiện đang làm găng với họ và o ép họ trên nhiều phương diện, thấy Trung Quốc và Nga hiện gắn kết chặt chẽ và hợp tác tin cậy lẫn nhau ra sao.

Nga-Trung Quốc: Khi đối tác sử dụng nhau làm đối trọng chiến lược như những đồng minh - Ảnh 1.

Ông Putin và ông Tập Cận Bình đã gặp nhau rất nhiều lần, chính thức cũng như không chính thức. Ảnh: Reuters

Láng giềng của nhau đã không chỉ trở thành đối tác chiến lược quan trọng của nhau mà còn sử dụng lẫn nhau làm đối trọng chiến lược cho quan hệ của từng bên với các đối tác khác, đương nhiên trước hết là đối với Mỹ và EU, thậm chí còn cả kẻ tung người hứng và tiền hô hậu ủng như những đồng minh chiến lược gắn bó với nhau hết sức và tin cậy lẫn nhau hết mực mà không cần phải cùng chính thức thành lập liên minh hay liên kết nào.

Có thể dễ dàng nhận thấy điều ấy ở những phát biểu của ông Putin và ông Tập Cận Bình vào dịp này, ở cách thức họ tán dương mức độ tuyệt vời của mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, ở những mỹ từ được họ sử dụng để định lượng hoá và định tính hoá tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác này giữa hai bên, ở thái độ đầy bản lĩnh và kiên quyết khi nói về những ý đồ của các đối thủ chung của họ, ở sự tự tin của họ về không ai có thể cản được họ thực hiện những mục tiêu chiến lược đã đề ra, hiện tại, cho trung hạn cũng như dài hạn.

Mối quan hệ tốt đẹp nhưng không thật sự ngang bằng

Mỹ đã khá thành công với việc gây khó dễ cho Nga và Trung Quốc. Cả EU và Nato cũng như vậy đối với Nga và họ đều đẩy Nga và Trung Quốc càng phải xích lại gần nhau hơn.

Trong tình thế bị gây khó như thế, Nga và Trung Quốc càng phải xích lại gần nhau hơn, càng phải dựa cậy vào nhau. Nga không thể thay thế Mỹ đối với Trung Quốc về thị trường nhưng cũng vẫn có thể bù đắp đáng kể những thiệt hại mà Mỹ gây ra cho Trung Quốc. Trung Quốc có thể giúp Nga vô hiệu hoá không hề ít.

Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc hiện tại tuy tốt đẹp thật đấy nhưng không thể được coi là thật sự ngang bằng. Bên nào cũng có lợi thế và yếu thế riêng. Nga cần vốn đầu tư và công nghệ trong khi Trung Quốc cần thị trường tiêu thụ, năng lượng và nguyên vật liệu. Bên này bù đắp cho bên kia.

Nga-Trung Quốc: Khi đối tác sử dụng nhau làm đối trọng chiến lược như những đồng minh - Ảnh 2.

Huawei bị Mỹ và đồng minh cấm cửa thì thị trường Nga lại càng thêm quan trọng đối với Trung Quốc. Dự án Nord Stream 2 bị Mỹ cản phá thì chuyện hợp tác với Trung Quốc về năng lượng lại rất cần đối với Nga. Syria, Iran, Venezuela, Triều Tiên..... đều là những vấn đề và nơi mà Trung Quốc và Nga luôn "song kiếm hợp bích".

Tự do hoá thương mại hay trật tự thế giới đa cực mà ông Putin và ông Tập Cận Bình cùng cổ suý chẳng phải đều nhằm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump hay sao ? Như thế chẳng phải hai người này chủ ý phân hoá các đồng minh và đối tác của Mỹ với Mỹ hay sao ?

Việc Trung Quốc không đáp ứng hoàn toàn mọi yêu cầu và đề nghị của Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư không ảnh hưởng xấu gì và càng không gây trở ngại cho sự phát triển tốt đẹp của cặp quan hệ song phương này cả trong thời gian tới. Cái gì chưa đạt được ở lần này thì chắc rồi sẽ đạt được ở lần sau, sẽ sớm chứ không phải chờ đợi lâu đâu.

Chỉ mấy ngày nữa thôi, ông Putin và ông Tập Cận Bình sẽ cùng tới thành phố Osaka của Nhật Bản để tham dự hội nghị cấp cao nhóm G20. Ông Trump cũng tới đấy.

Và thiên hạ rồi cũng sẽ thấy ông Trump và các đồng minh ở đó sẽ tìm cách phân rẽ giữa Nga và Trung Quốc chứ sẽ không để cho hai nước láng giềng của nhau này tận lợi tác động cộng hưởng của mối quan hệ láng giềng thân thiết, đối tác chiến lược, đối trọng giá trị và đồng minh không chính thức này.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại