Nga - Trung Quốc kết thân: Cuộc bang giao giữa hai cựu thù sẽ khó lâu bền

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Nhà phân tích chính trị người Nga Gevork Mirzoyan mới đây đã viết trên tờ Vzgliad về khả năng người Nga sẽ suy nghĩ lại về sự nguy hiểm của Trung Quốc.

Quan hệ Nga-Trung Quốc đang ở vào thời kỳ phát triển tốt đẹp nhất. Trong chuyến thăm Nga tháng 6/2019 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đón tiếp như một thượng khách đặc biệt. Ông Tập nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt giữa Trung Quốc và Nga, còn Tổng thống Vladimir Putin nói quan hệ giữa Nga và Trung Quốc chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay.

Nga là người thừa kế Liên bang Xô Viết và có một trong những quân đội mạnh nhất của thế giới. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ và có quân đội thường trực lớn nhất thế giới với 2.285.000 người. Cả hai nước đều là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết.

Nga và Trung Quốc là hai cường quốc hùng mạnh trên thế giới. Nga có tiềm lực quân sự to lớn, còn Trung Quốc là nước đang trỗi dậy và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Xét về sức mạnh tổng thể của cả hai nước về chính trị, kinh tế, quân sự..., Nga và Trung Quốc đang trở thành một trong những trung tâm quyền lực quan trọng nhất của trật tự thế giới.

Những bước thăng trầm trong quan hệ giữa hai cường quốc Nga-Trung Quốc

Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Liên Xô được thiết lập năm 1949. Chỉ 1 ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập nước, ngày 2/10/1949, Liên Xô là nước đầu tiên công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trong 70 năm qua, Trung Quốc và Nga đã trải qua một chặng đường dài với nhiều bước thăng trầm. Trong lịch sử, tuần trăng mật giữa Moscow và Bắc Kinh kéo dài không được bao lâu thì xuất hiện nhiều bất đồng trong chính sách xây dựng chủ nghĩa xã hội và tham vọng của Trung Quốc tranh giành vai trò lãnh đạo phong trào cộng sản thế giới.

1949-1956 là thời hoàng kim trong quan hệ Xô-Trung. Hiệp ước Trung-Xô về tình hữu nghị, liên minh và tương trợ lẫn nhau được ký kết. Tại tang lễ Y. Stalin năm 1953, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô G.M. Malenkov đã phát biểu: "Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để củng cố tình hữu nghị anh em đời đời bền vững, không gì có thể phá vỡ được giữa Liên Xô với nhân dân Trung Quốc vĩ đại."

Thời gian đó, Liên Xô đã dành cho Trung Quốc sự giúp đỡ to lớn về vật chất trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, năm 1956 N. Khrushchev lên nắm quyền, quan hệ hai nước bắt đầu xấu đi nhanh chóng. Mao Trạch Đông tố cáo Liên Xô theo chủ nghĩa xét lại, coi tư tưởng "cùng tồn tại hòa bình" của Liên Xô là sai lầm nghiêm trọng.

Nga - Trung Quốc kết thân: Cuộc bang giao giữa hai cựu thù sẽ khó lâu bền - Ảnh 1.

Chủ tịch nước đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông gặp gỡ cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972. Ảnh tư liệu.

Tháng 8/1960, Liên Xô đã rút tất cả các chuyên gia từ Trung Quốc về nước và hủy bỏ các hiệp định đã ký kết trước đó. Năm 1964, Mao Trạch Đông tuyên bố Liên Xô "đã đi theo chủ nghĩa tư bản", cắt đứt quan hệ giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Những bất đồng này đã dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu năm 1969 tại đảo Damannsky trên dòng sông Usuri. Từ một nước cùng chí hướng với Liên Xô, Trung Quốc chuyển sang liên minh với Mỹ, coi Liên Xô là kẻ thù số một. Từ quan hệ anh em, đồng chí thân thiết sau cuộc cách mạng tháng Mười Nga và cách mạng Trung Quốc chuyển sang cuộc đối đầu ý thức hệ, rồi bùng nổ xung đột quân sự, rồi đến quan hệ đối tác chiến lược ngày nay.

Nga - Trung Quốc kết thân: Cuộc bang giao giữa hai cựu thù sẽ khó lâu bền - Ảnh 2.

Chiến tranh biên giới Trung-Xô 1969. Ảnh tư liệu.

Năm 1989, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev thăm Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ hai nước, hai đảng. Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ Trung-Nga dần dần được khôi phục và phát triển như ngày nay.

Từ cựu thù chuyển sang đối tác chiến lược

Trung Quốc và Liên Xô trước đây đã có thời kỳ dài coi nhau là "kẻ thù số một", "kẻ thù không đội trời chung" và đã từng xảy ra chiến tranh biên giới ác liệt năm 1969, nay Trung Quốc và Nga trở thành đồng minh của nhau. Hai nước đã ký tuyên bố "Quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện Nga-Trung giai đoạn mới".

Sự thù địch giữa Mỹ với Liên Xô trước đây và Nga ngày nay là nguyên nhân trực tiếp để Nga đứng về phía Trung Quốc và Trung Quốc liên minh với Nga để củng cố mặt trận phía Bắc, tạo thế đứng vững chắc cho mình trong quan hệ với Mỹ.

Sự hợp tác của Trung Quốc và Nga đang được tăng cường trong bối cảnh gia tăng áp lực chính trị, quân sự và kinh tế của Mỹ đối với hai nước. Washington và Bắc Kinh đang ở trong cuộc chiến thương mại sau khi Mỹ áp thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, Nga đang chịu nhiều biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây sau khi sáp nhập Crimea năm 2014.

Trong tình hình quan hệ căng thẳng với Mỹ và các nước phương Tây, Nga đã xoay trục sang phía Đông, tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc, đặc biệt về kinh tế, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở phương Đông.

Về phần mình, Trung Quốc dành ưu tiên hàng đầu cho quan hệ với Nga vì có chung đường biên giới dài hơn 4.200 km, và dù có mạnh đến đâu chăng nữa thì Trung Quốc vẫn cần có một đồng minh mạnh và lâu dài.

Hiện nay và trong tương lai, đồng minh đó chỉ có thể là Nga, để đảm bảo an ninh quốc gia và Trung Quốc cũng cần nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga để tiếp tục phát triển. Mặt khác, Bắc Kinh thấy cần liên minh với Moscow, đặc biệt, trong tình hình cuộc chiến thương mại với Mỹ đang leo thang, cũng như việc họ bị Mỹ phản đối gay gắt trong nhiều lĩnh vực khác như các vấn đề liên quan đến cộng đồng người Ngô Duy Nhĩ và các yêu sách phi lý ở Biển Đông.

Nếu Nga không cần Trung Quốc và Trung Quốc không cần Nga, liên minh chiến lược này chắc chắn sẽ không hình thành. Liên minh Nga-Trung nổi lên trong cuộc khủng hoảng Syria, nhóm BRICS, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và gần đây nhất là việc Nga gia nhập Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI).

Theo con số thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến giữa tháng 12/2018, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt hơn 100 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước tới nay. Trung Quốc trở thành một trong những bạn hàng lớn nhất của Nga và đứng đầu về sự năng động và tốc độ tăng trưởng thương mại giữa hai nước.

Chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 11/2018, kim ngạch thương mại giữa Moscow và Bắc Kinh đã tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 97,23 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga cũng tăng 12% lên 43,45 tỷ USD, nhập khẩu từ Nga tăng 44,3% lên 53,78 tỷ USD. Hai nước đã đặt mục tiêu chiến lược nhằm đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 200 tỷ USD vào năm 2020.

Nga - Trung Quốc kết thân: Cuộc bang giao giữa hai cựu thù sẽ khó lâu bền - Ảnh 4.

Lãnh đạo và Ngoại trưởng hai nước Nga, Trung Quốc trong một buổi lễ kí kết thỏa thuận. Ảnh: Getty.

Gấu Nga, rồng Trung Quốc khó có thể kết bạn dài lâu

Hiện tại, mối quan hệ này có vẻ tốt, nhưng về chiều sâu, nó được xây dựng dựa trên lợi ích kinh tế và an ninh.

Mục đích chính của liên minh Trung-Nga hiện nay là nhằm chống lại đối tượng mà họ xem là "kẻ thù chung" - Mỹ. Nhưng trong lịch sử, Trung Quốc đã từng nhiều lần thay đổi đồng minh vì lợi ích riêng của mình. Những năm 60-70-80 Trung Quốc đã từng đi với Mỹ chống Liên Xô và đặc biệt năm 1979, Trung Quốc đã câu kết với Mỹ đánh Việt Nam.

Nga - Trung Quốc kết thân: Cuộc bang giao giữa hai cựu thù sẽ khó lâu bền - Ảnh 5.

Đặng Tiểu Bình đi Mỹ trước khi đánh Việt Nam 1979

Nhà phân tích chính trị người Nga Gevork Mirzoyan mới đây đã viết trên tờ Vzgliad về khả năng người Nga sẽ suy nghĩ lại về sự nguy hiểm của Trung Quốc. Ông tỏ nghi ngờ về triển vọng hợp tác song phương giữa Bắc Kinh và Moscow.

Thứ nhất, mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc chủ yếu là nhằm đối phó lại Mỹ. Nếu Donald Trump hoặc một Tổng thống mới của Mỹ thấy rằng không cần phải đối đầu với Trung Quốc và Nga cùng một lúc và nếu Washington bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh, mở lại thị trường của Mỹ cho hàng hóa Trung Quốc thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ sẵn sàng chấp nhận xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ.

Thứ hai, mặc dù Nga và Trung Quốc là hai nước láng giềng, nhưng họ nhìn về hai hướng khác nhau. Hướng chính trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nga là phương Tây. Ngăn chặn sự bành trướng của NATO và thiết lập một hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu là ưu tiên hàng đầu của Nga. Trung Quốc không thể giúp Nga trong việc đó.

Trong khi đó, Bắc Kinh lại tập trung bành trướng ảnh hưởng ở Đông Nam Á và Đông Á. Gevork Mirzoyan cho rằng Nga không cần phải đứng về phía Trung Quốc ở đó để làm tổn hại mối quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả với Việt Nam.

Nga miễn cưỡng chấp nhận vai trò của Trung Quốc ở Trung Á vì kinh tế của Nga suy yếu không thể giúp đỡ được nhiều các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở khu vực này, trong khi Trung Quốc là cường quốc kinh tế muốn mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua cho vay tín dụng và đầu tư vào các dự án kinh tế và phát triển.

Ý tưởng của Trung Quốc về việc xây dựng một hành lang kinh tế Trung-Mông-Nga đi qua toàn bộ lục địa Á-Âu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở khu vực này.

Nga - Trung Quốc kết thân: Cuộc bang giao giữa hai cựu thù sẽ khó lâu bền - Ảnh 7.

Những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc cho thấy hai nước có vẻ thân thiện với nhau, nhưng trên thực tế họ đang tranh giành nhau ảnh hưởng ở khu vực Á-Âu.

Trong khi Nga chủ trương xây dựng trục chiến lược về phía Đông và cố gắng duy trì ảnh hưởng ở Trung Á, thì Trung Quốc lại đang tìm cách tiến về phía Tây với mục tiêu trở thành một cường quốc Á-Âu.

Ngoài ra, tranh chấp lãnh thổ là vấn đề lớn trong quan hệ Nga-Trung. Trong sách giáo khoa và lịch sử Trung Quốc, các phần lãnh thổ Siberia và Viễn Đông vẫn được coi là thuộc về Trung Quốc.

Theo nhà chính trị học, chủ tịch Viện nghiên cứu chiến lược Nga Alexander Konovalov, Trung Quốc sẽ là một vấn đề đau đầu nghiêm trọng đối với Nga trong tương lai.

Ông Gevord Mirzayan trong bài báo "Nga và Trung Quốc-hai người bạn ngoài ý muốn" mới đây viết, bây giờ Nga và Trung Quốc cùng làm việc với nhau, nhưng đến một lúc nào đó vì lợi ích riêng của mình Bắc Kinh sẽ tranh giành ảnh hưởng với Nga và khi đó rồng Trung Quốc có thể còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với đại bàng Mỹ.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại