Mới đây, nhiều nhà phân tích quân sự đang cảnh báo rằng, Nga và Trung Quốc đang củng cố sức mạnh của lực lượng không quân của mình, đồng thời cho ra mắt thêm nhiều hệ thống phòng không hiện đại.
Máy bay Su-35 của Nga
“Trong suốt hơn hai thập kỷ qua, máy bay chiến đấu của Mỹ và các nước đồng minh ở Châu Âu gần như đã làm chủ bầu trời. Giờ đây, Nga và Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh vào các loại vũ khí mới nhằm thách thức sự thống trị trên, mở màn cho một chạy đua vũ trang mới”, ông Robert Wall, một chuyên gia quân sự của báo Wall Street Journal viết.
Ông Wall dẫn lời Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein sau khi được hỏi về những thách thức mà ông sẽ phải đối mặt trong tương lai. Ông Golđfein phát biểu: “Vấn đề lớn nhất đối với Không quân Mỹ đó là sự xuất hiện của nhiều đối thủ có công nghệ quân sự sánh được với Mỹ. Những nước này đang thách thức sự kiểm soát trên bầu trời của chúng ta”.
Khi được về kế hoạch của mình, ông Goldfein nhấn mạnh rằng ông sẽ nỗ lực đẩy mạnh các chương trình hiện đại hóa quân sự, trong đó bao gồm “các dự án như F-35 và B-21, giúp Hoa Kỳ đảm bảo lợi thế của mình trước các đối thủ tiềm tàng”.
Tuy nhiên, khoảng cách về công nghệ giữa Mỹ và các đối thủ của mình, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, đang nhanh chóng bị thu hẹp. Ông Wall cho biết, vào năm 2018 Nga sẽ bắt đầu cho ra mắt phi cơ chiến đấu T-50.
“Máy bay này được thiết kế để có khả năng xoay trở tốt trên không, và được lắp đặt các thiết bị điện tử tinh vi để phát hiện máy bay địch từ khoảng cách rất xa”, ông nói.
Cùng với điều trên, phi cơ tiêm kích Su-34 và Su-35 cũng đều nhận được đánh giá cao từ nhiều chuyên gia quân sự kể từ sau chiến dịch quân sự của Nga tại Syria. Về phần mình, Trung Quốc cũng đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách với các nước phương Tây.
Không quân Trung Quốc hiện đang sử dụng máy bay J-20, có nhiều đặc điểm rất giống với F-22 của Mỹ. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng đang nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của mình là J-31, cũng được nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng nó khá giống F-35 của Mỹ. Dự kiến máy bay có thể được đưa vào sử dụng vào năm 2022.
Nhưng đó mới chỉ là một nửa vấn đề đối với Lầu Năm Góc. “Cả Trung Quốc và Nga đều cho ra mắt nhiều hệ thống phòng không mới. Moscow cho biết, hệ thống tên lửa S-400 của mình có thể bắn rơi máy bay ở tầm xa 380 km”, ông Wall nhấn mạnh.
Để đối phó với sự phát triển của Nga và Trung Quốc, quân đội Mỹ đang bắt đầu dự án chế tạo tên lửa tầm xa cho máy bay Mỹ, giúp chúng có thể tấn công mục tiêu từ ngoài tầm bắn của hệ thống phòng không của đối phương.
Ông Wall cho biết, Lầu Năm Góc cùng bộ quốc phòng của các nước phương Tây đang triển khai thiết kế một loại máy bay mới để đảm bảo NATO có thể khẳng định sức mạnh trên bầu trời.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh thị trường truyền thông thế giới. Sputnik sẽ chính thức thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.