Thứ Tư (27/4) tuần trước, diễn đàn đầu tiên về chủ quyền trên mạng Internet giữa Nga-Trung Quốc đã diễn ra tại Moscow, dưới sự bảo trợ của Liên hiệp Internet an toàn, một cơ quan do Chính phủ Nga đỡ đầu.
Trong cuộc họp, Lu Wei, Cục trưởng Cục không gian mạng, dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc phát biểu: "Giờ đây, khi hai đất nước của chúng ta phải đối mặt với nhiều hình thức tuyên truyền mang tính công kích trên truyền thông, ta cần hết sức chú ý trong quá trình xác minh và sàng lọc thông tin."
Phương Tân Hưng, cha đẻ của "Vạn lý tường lửa", cũng lên tiếng cáo buộc các máy chủ Mỹ, hiện thống trị toàn bộ hệ thống Internet trên toàn cầu, đều nằm dưới sự quản lý của chính phủ Washington.
Ông Phương cho rằng, Mỹ đang nắm trong tay chủ quyền mạng Internet hiện đại, và câu hỏi thực sự cần đặt ra là chủ quyền đó liệu có thể được chia sẻ hay không?
Các đại biểu Nga cũng đồng tình với mối lo ngại trên. Hội nghị kết thúc với một giải pháp về việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và phối hợp giữa hai nước, cùng nhau tiến tới mục tiêu từng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh: thiết lập chủ quyền độc lập của từng quốc gia trên không gian mạng.
Nga và Trung Quốc bắt tay hướng tới mục tiêu thiết lập chủ quyền trên không gian mạng, lật đổ thế thống trị của Mỹ hiện nay.
Hai tuần trước hội nghị, Alexander Bastrykin, thân tín lâu năm của Tổng thống Putin, đồng thời là người đứng đầu Ủy ban điều tra trực thuộc Viện công tố liên bang, đã cho ra mắt một bài viết nêu lên quan điểm về lịch sử cuộc chiến tranh thông tin do Mỹ khởi xướng.
Ông đề cập đến vai trò xuyên suốt của quốc gia này từ việc châm ngòi các mâu thuẫn dân tộc dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô, cho đến nay, khi Washington tiếp tục khiêu khích gây lục đục trong cộng đồng những "vệ tinh" của Nga thời Chiến tranh Lạnh như Ukraine, Georgia hay Armenia.
Bastrykin qua đó thúc giục Moscow đi theo bước chân của Bắc Kinh, kiểm soát hoàn toàn các phương tiện điện tử trong nước và ngăn chặn ảnh hưởng từ nước ngoài tới không gian thông tin quốc gia.
Trên mạng, phe phản đối, hơn bao giờ hết, tràn đầy ngờ vực. Họ núp sau một số nhà cung cấp Internet lớn với hi vọng các công ty này sẽ đứng ra phản đối quyết tâm "khoanh vùng dữ liệu" với mục tiêu vận hành Internet chỉ trên các máy chủ thuộc lãnh thổ Nga của Điện Kremlin.
Cho đến nay, các công ty này chỉ xử lý một phần nhỏ yêu cầu ngày một tăng cao từ phía Nga về việc gỡ bỏ những tài liệu gây tranh cãi. Mặt khác, nhiều người dân ở quốc gia này cũng bắt đầu quay sang những dịch vụ Internet ẩn danh như Tor, một dự án từng trực thuộc Hải quân Mỹ.
Trung Quốc vẫn quay lưng với Facebook sau bao nỗ lực hòng thâm nhập thị trường của công ty này. Ảnh: Bloomberg
Nhưng khả năng của những vị cứu tinh này mạnh tới mức nào? Tor là một công cụ tương đối khó sử dụng, đồng thời, dù số người dùng đã tăng gấp 10 lần, đó vẫn chỉ là một con số rất nhỏ trong tổng lượng truy cập Internet của Nga.
Các công ty lớn trong Thung lũng Silicon có đứng lên phản đối việc khoanh vùng dữ liệu và kiểm soát Internet. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg gần đây cũng đã phải tới Trung Quốc nhằm một lần nữa thể hiện quyết tâm chinh phục thị trường này, nơi vẫn quay lưng với Facebook mặc cho rất nhiều nỗ lực thâm nhập.
Khi rời Trung Quốc năm 2010, Google chiếm tới 30% thị trường tìm kiếm trong nước. Giờ đây, con số này chỉ còn khoảng 1%, trong khi các công ty nội địa như Baidu, nơi đại diện từ phía đảng thường xuyên theo dõi nhằm đảm bảo chỉ thị của trung ương được chấp hành đúng đắn, đã chiếm được tỷ lệ thị phần áp đảo.
Bên cạnh đó, phía Mỹ thực ra cũng chẳng phải đang chiến đấu giữ mạng Internet tách biệt khỏi các chương trình quốc gia.
Cục điều tra liên bang Mỹ và Lầu Năm Góc năm lần bảy lượt yêu cầu các công ty trong Thung lũng Silicon phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, hết mở cửa hệ thống phục vụ hành pháp lại tới cống hiến tài năng phát triển vũ khí mới, đặc biệt là không bao giờ chia sẻ công nghệ với các quốc gia đối thủ.
Những biểu hiện trên, theo tác giả Scott Malcomson của Huffington Post, cho thấy Washington đã gián tiếp khẳng định điều mà Nga-Trung đang nghi ngại, rằng Internet chính là một công cụ Mỹ dùng để củng cố sức mạnh.
Ông lớn Google cũng chỉ nắm trong tay khoảng 1% thị trường tìm kiếm tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Đó là nguyên nhân chính đưa Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau.
Chí hướng chung hòng đập tan thế thống trị của Mỹ khởi đầu với tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược năm 1996, được khẳng định bằng “Hiệp ước về quan hệ láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác” năm 2001 cùng một kế hoạch hành động vào năm 2008.
Ông Tập Cận Bình tới thăm Nga trên cương vị là Chủ tịch Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2013, từ đó đến nay cũng đã nhiều lần gặp mặt Tổng thống Putin.
Tuy nhiên, mối quan hệ Nga-Trung dù mạnh vẫn thiếu đi nền tảng vững chắc, bởi liên kết theo kiểu "kẻ thù của kẻ thù là bạn" thường không tồn tại được lâu.
Cụm từ hai nước sử dụng nhiều thập kỷ nay là "đa cực", nhưng xét cho cùng, theo ông Malcomson, đó cũng chỉ là hình thức chống lại thế đơn cực của Mỹ.