Phát hiện Nga trực tiếp bơm dầu cho Triều Tiên bất chấp cấm vận: Cơ chế trừng phạt của LHQ 'sụp đổ'?

Hữu Hiển |

Nga bắt đầu trực tiếp cung cấp dầu cho Triều Tiên bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ), củng cố quan hệ hai nước và giáng đòn mới vào nỗ lực kiềm chế Bình Nhưỡng.

Lần đầu ghi nhận Nga trực tiếp cung cấp dầu cho Triều Tiên

Theo các hình ảnh vệ tinh được Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) chia sẻ với Financial Times, trong tháng này, ít nhất 5 tàu chở dầu của Triều Tiên đã di chuyển để thu gom các sản phẩm dầu từ cảng Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga.

Các chuyến hàng, bắt đầu vào ngày 7/3 vừa qua, là chuyến hàng vận chuyển trực tiếp bằng đường biển từ Nga đầu tiên được ghi nhận kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – có sự chấp thuận của Moscow – áp đặt giới hạn nghiêm ngặt đối với việc vận chuyển dầu của Triều Tiên vào năm 2017 để đáp trả các vụ thử vũ khí hạt nhân của nước này.

Phát hiện Nga trực tiếp bơm dầu cho Triều Tiên bất chấp cấm vận: Cơ chế trừng phạt của LHQ 'sụp đổ'?- Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh được chia sẻ độc quyền với Financial Times chỉ ra hoạt động vận chuyển dầu từ cảng Vostochny (Nga) đến cảng Chongjin (Triều Tiên).

Cựu điều phối viên Hugh Griffiths của ủy ban Liên Hợp Quốc về giám sát các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cho biết: "Những chuyến vận chuyển dầu này tạo thành một cuộc tấn công trực diện chống lại cơ chế trừng phạt hiện đang trên bờ vực sụp đổ."

Các tàu kể trên, đều treo cờ Triều Tiên và được phân loại là tàu chở sản phẩm dầu, đã ghé vào cùng một bến do một công ty dầu mỏ của Nga điều hành tại cảng Vostochny, nơi chúng dường như đang chất hàng.

Hình ảnh vệ tinh xác nhận rằng hai trong số các tàu này sau đó đã đi từ cảng Vostochny đến cảng Chongjin của Triều Tiên, được cho là địa điểm dỡ hàng.

Nhà nghiên cứu tại RUSI Joseph Byrne nói: "Các tàu mà chúng tôi thấy tại các bến cảng của Nga là một trong những tàu có sức chứa lớn nhất trong đội tàu của Triều Tiên và các tàu này liên tục ra vào cảng. Một số tàu này cũng đã được Liên Hợp Quốc xác định, có nghĩa là chúng thậm chí không được phép vào các cảng nước ngoài, chứ đừng nói đến việc vận chuyển dầu."

Lượng dầu vận chuyển lên tới 125.000 thùng

Financial Times đưa tin, việc giao hàng diễn ra sau khi Triều Tiên bị cáo buộc bắt đầu cung cấp hàng nghìn container đạn dược cho Nga vào tháng 8 năm ngoái. Các chuyên gia quân sự cho rằng hành động này của Bình Nhưỡng đã góp phần đáng kể vào nỗ lực chiến tranh của Moscow ở Ukraine.

Theo RUSI, cảng Vostochny cũng được sử dụng làm điểm đến cho các tàu Nga bị cáo buộc liên quan đến buôn bán vũ khí giữa hai nước.

Cựu điều phối viên Liên Hợp Quốc Griffiths nói: "Những gì chúng ta có thể thấy bây giờ là một thỏa thuận trao đổi vũ khí lấy dầu rõ ràng, đi ngược lại các lệnh trừng phạt mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký trực tiếp."

Theo RUSI, tất cả năm tàu của Triều Tiên đều thực hiện hành trình đến cảng Vostochny trong tình trạng tắt bộ thu phát tín hiệu. Một trong những tàu đó, Paek Yang San 1, đã được Liên Hợp Quốc xác định vào năm 2018 là có liên quan đến vận chuyển dầu trái phép từ tàu này sang tàu khác nhằm lách lệnh cấm vận, vốn hạn chế Triều Tiên chỉ được phép nhập khẩu 500.000 thùng/năm đối với dầu và các sản phẩm làm từ dầu mỏ.

Hoạt động giao hàng cũng chỉ có thể được coi là tuân thủ lệnh cấm vận nếu việc này được báo cáo với ủy ban trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Các nhà nghiên cứu của RUSI tính toán rằng, lượng dầu vận chuyển được ghi nhận từ cảng Vostochny trong vài tuần qua có thể lên tới 125.000 thùng, tương đương 1/4 hạn ngạch được cấp phép hàng năm.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã từ chối đề nghị bình luận của Financial Times. Tạp chí này cũng không thể liên lạc được với người điều hành các tàu của Triều Tiên để đề nghị bình luận.

Cơ chế trừng phạt có thể tồn tại được bao lâu?

Theo ba nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận tại Liên Hợp Quốc ở New York, thông tin tiết lộ về hoạt động buôn bán vũ khí đổi lấy dầu đã được đưa ra bàn luận khi các nhà ngoại giao phương Tây đang nỗ lực duy trì hội đồng của Liên Hợp Quốc nhằm giám sát việc tuân thủ các lệnh cấm vận đối với Triều Tiên, trong bối cảnh lo ngại rằng Nga có thể phủ quyết việc gia hạn ủy quyền của hội đồng này.

Các quan chức phương Tây đã hoãn cuộc bỏ phiếu về việc đổi mới hội đồng vào tuần trước sau khi Nga và Trung Quốc đưa ra đề xuất cắt giảm quyền hạn của hội đồng.

Phát hiện Nga trực tiếp bơm dầu cho Triều Tiên bất chấp cấm vận: Cơ chế trừng phạt của LHQ 'sụp đổ'?- Ảnh 3.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng cười khi gặp nhau tại trung tâm phóng vũ trụ Vostochny Cosmodrome ở Viễn Đông Nga vào ngày 13/9/2023. Ảnh: KCNA

Theo các chuyên gia, các cuộc thảo luận về hội đồng trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã đặt ra câu hỏi về việc hội đồng của Liên Hợp Quốc - và chính cơ chế trừng phạt - có thể tồn tại được bao lâu.

Nhà nghiên cứu Byrne của RUSI nói: "Trong khi có tranh luận về tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt, những gì chúng ta đang thấy là điều gì sẽ bắt đầu xảy ra nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Điều này đang mang lại cho Triều Tiên một lực nâng rất đáng kể."

Nhà nghiên cứu cấp cao Go Myong-hyun tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia, trực thuộc nhà nước Hàn Quốc, nói rằng việc cung cấp trực tiếp dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga sang Triều Tiên sẽ "đi một chặng đường dài hướng tới sự ổn định của nền kinh tế Triều Tiên".

"Trong 7 năm qua, Bình Nhưỡng đã phải trả giá cao cho các sản phẩm dầu mà họ cần, vì nước này dựa vào mạng lưới môi giới tội phạm phức tạp và đắt đỏ, cũng như các hoạt động vận chuyển từ tàu này sang tàu khác trên biển," ông Go nói.

"Nhưng bây giờ, có vẻ như họ đã đảm bảo được nguồn cung cấp dầu ổn định với mức chiết khấu cao hoặc thanh toán trực tiếp cho số vũ khí mà họ đang cung cấp cho Moscow. Điều đó sẽ giải phóng nguồn lực cho lực lượng vũ trang Triều Tiên và chương trình vũ khí hạt nhân của nước này."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại