Nga đã triển khai lựu đạn khói RDG-U mới nhất, có khả năng nguỵ trang để bảo vệ quân đội và cơ sở hạ tầng trước các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình có độ chính xác cao của Ukraine.
Hãng thông tấn RIA Novosti trích dẫn một nguồn tin thông báo “việc cung cấp lựu đạn khói cầm tay RDG-U cho lực lượng vũ trang Nga đã bắt đầu” . Tuy nhiên, thông tin về lịch trình chuyển giao và triển khai loại vũ khí này chưa được tiết lộ.
Theo công bố của công ty sản xuất vũ khí Rostec vào tháng 2/2023, lựu đạn khói cầm tay RDG-U sẽ giúp cho binh sĩ và thiết bị quân sự ngụy trang trước sự tấn công của tên lửa dẫn đường bằng tia hồng ngoại và vũ khí chính xác sử dụng hệ thống nhắm mục tiêu hình ảnh nhiệt.
Lựu đạn RDG-U.
Ông Anton Semenyako, quyền Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Chính xác Trung ương Nga tuyên bố rằng, RDG-U sẽ cho phép máy bay chiến đấu tạo ra một màn khói mà không cần sử dụng các thiết bị chuyên dụng về bức xạ, hóa học.
Theo thông tin của Rostec, lựu đạn phát huy tác dụng trong khoảng nhiệt độ từ âm 50 đến 55 độ. RDG-U có chiều dài 200 mm, trọng lượng 700 gram và đường kính vỏ 54mm. Tuy nhiên, nó không có chất nổ nên không gây sát thương nghiêm trọng, chỉ tiện lợi cho mục đích phòng thủ. Vỏ của lựu đạn được làm bằng vật liệu có độ bền cao, đảm bảo an toàn khi sử dụng, dễ bảo quản và vận chuyển.
Lựu đạn khói RDG-U giúp tăng thời gian ngụy trang do được cung cấp khí dung liên tục từ các viên phát khói, tăng mật độ màn khói do sự lan rộng nhanh chóng của nhiều nguyên tố pyro đang cháy. Đồng thời, RDG-U có khả năng che giấu ngắn hạn khỏi khả năng phát hiện hồng ngoại của vũ khí có độ chính xác cao.
Kế hoạch sử dụng lựu đạn khói RDG-U diễn ra vào thời điểm Nga đang phải đối phó với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, pháo binh và tên lửa của Ukraine. Ukraine đã sử dụng một số tên lửa và đạn dẫn đường chính xác tiên tiến do NATO cung cấp, để tấn công vào các mục tiêu quân sự ở tiền tuyến cũng như vào sâu trong lãnh thổ của Nga.
Trong thời gian gần đây, Ukraine thường xuyên sử dụng UAV để nhắm mục tiêu vào các căn cứ quân sự của Nga, khiến các lực lượng Nga tổn thất nhiều trang thiết bị. Ngày 30/8, một cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vào sân bay quân sự Pskov, cách biên giới Ukraine khoảng 700 km, đã làm hư hại ít nhất 4 máy bay vận tải quân sự của Nga.
Đám khói do lựu đạn RDG-U tạo ra.
Ngày 13/9, tờ báo Anh Sky News đưa tin Ukraine đã sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh trong một cuộc tấn công lớn nhằm vào sở chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga ở bán đảo Crimea. Các cuộc tấn công tương tự cũng được tiến hành đồng thời trên nhiều địa điểm ở miền Tây và miền Trung nước Nga.
Theo Eurasian Times, lựu đạn khói RDG-U sẽ cho phép quân đội Nga tự bảo vệ mình, bằng cách khiến vũ khí của Ukraine gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm mục tiêu do khói và khả năng ngụy trang che giấu.
Trong khi đang nỗ lực bảo vệ các khu vực của mình, quân đội Nga cũng tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào các mục tiêu của Ukraine. Điều này khiến NATO phải tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine để đối phó với các cuộc tấn công này.
Trong chuyến thăm Kiev vào đầu tháng 9 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố gói viện trợ mới cho Ukraine với tổng giá trị hơn 1 tỷ USD để hỗ trợ an ninh dân sự và năng lực phòng không cho Ukraine.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, khoảng 175 triệu USD trong tổng số tiền này sẽ được chuyển dưới dạng vũ khí từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc và 100 triệu USD khác sẽ được cung cấp dưới dạng viện trợ để Ukraine có thể mua thêm vũ khí và thiết bị.