Thông thường, người ta vẫn nghĩ Trung Quốc chứ không phải Nga mới có thể đóng vai trò người thương thuyết với Triều tiên. Nhưng gần đây, Nga dường như đang tăng cường nỗ lực hòa giải trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Những nỗ lực của Nga hầu như không có khả năng gây ra được áp lực đủ lớn để tạo nên bất kỳ sự thay đổi nào bởi Moscow thiếu phương tiện đủ sức nặng để thuyết phục Triều Tiên thay đổi lộ trình của họ. Mặc dù vậy, trên thực tế, điện Kremlin dường như có thể có ảnh hưởng lớn hơn những gì người ta có thể thấy.
Trung gian hòa giải
Trong một cuộc điện đàm gần đây với đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Song Young-gil, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông sẵn sàng cử một nhóm hòa giải tham gia các cuộc đàm phán liên Triều. Theo ông Putin, vấn đề hạt nhân Triều Tiên không thể giải quyết bằng sức mạnh quân sự mà thay vào đó phải được tiếp cận từ góc độ ngoại giao.
Thực tế không phải đến khi ông Putin đưa ra tuyên bố nói trên thì Nga và Triều Tiên mới xích lại gần nhau. Hồi cuối tháng 4/2017, Đại sứ Nga tại Triều Tiên, ông Alexander Matsegora và Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Song Ryol đã có cuộc gặp thảo luận về sự hợp tác giữa hai nước.
Đưa tin về cuộc gặp này, các phương tiện truyền thông Nga cho biết, Đại sứ Alexander Matsegora đã yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế các hành động của mình. Trong khi đó, truyền thông Triều Tiên lại tuyên bố rằng Nga đã “thể hiện sự hiểu biết” về vị thế của Triều Tiên.
Vào giữa tháng 5/2017, một tuyến phà mới nối Vladivostok, Nga với khu vực Rajin của Triều Tiên chính thức đi vào hoạt động. Trước đó, hồi tháng 3, hai nước cũng đồng ý để tăng số lượng lao động Triều Tiên ở Nga, hiện đang rơi vào khoảng 50.000 công nhân. Với tất cả những động thái này, có thể thấy Nga đang bắt đầu thể hiện vai trò tích cực hơn trên Bán đảo Triều Tiên.
Nhưng nếu chỉ vì Nga muốn đóng vai trò lớn hơn trên bán đảo Triều Tiên thì điều đó không có nghĩa là họ dễ dàng làm điều đó. Những động thái gần đây của Nga cũng phần nào cho thấy tầm ảnh hưởng của Moscow ở Triều Tiên là thực sự bị giới hạn.
Nga hiểu rằng họ không có nhiều lựa chọn để tạo ảnh hưởng thực sự lên các quyết định của Triều Tiên nên họ lựa chọn cách thức đóng vai trò trung gian hòa giải – lựa chọn này được cho là khôn ngoan khi Moscow sẽ chẳng mất gì. Nếu đề nghị của họ được chấp nhận, vị thế của điện Kremlin trong khu vực sẽ được nâng cao và như thế, Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát tình hình khu vực.
Chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên vẫn là đề tài gây tranh cãi. Ảnh: Reuters. |
Lựa chọn nào cho Nga? |
Có hai cách để Nga có thể thực sự gây ảnh hưởng tới Triều Tiên. Thứ nhất là thông qua sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp quân sự để ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân là không thực tế với Nga vì Moscow còn phải bận tâm đến vấn đề Ukraine và Trung Đông. Đó là còn chưa kể đến việc Nga cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo Triều Tiên, đương nhiên, Moscow không muốn rơi vào thế giống như Washington hiện nay.
Lựa chọn thứ hai của Nga là sử dụng các biện pháp kinh tế để thuyết phục Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân. Những số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Triều Tiên của Nga có giá trị ít hơn 6 triệu USD/năm trong khi xuất khẩu của nước này sang Triều Tiên tổng cộng khoảng 80 triệu USD.
Con số này là quá nhỏ nếu so sánh với kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc – Triều Tiên. Tổng kim ngạch thương mại hằng năm giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 85% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên.
Nhìn vào số liệu trên có thể thấy, về phương diện kinh tế, Nga có rất ít khả năng có thể gây sức ép lên Triều Tiên và ngay cả khi Moscow có muốn tăng cường, củng cố mối quan hệ thương mại hiện nay thì điều đó cũng sẽ chẳng thấm vào đâu nếu so sánh với con số khổng lồ mà Trung Quốc tạo ra.
Nga tính toán gì?
Nga có lý do chính đáng để muốn tăng cường ảnh hưởng ở Triều Tiên. Nếu như Moscow chứng minh được khả năng kiểm soát Bình Nhưỡng, điện Kremlin sẽ cải thiện được lợi thế với Washington khi đàm phán về các vấn đề khác như Ukraine và Trung Đông.
Triều Tiên được cho là gây ra nguy cơ tương đối thấp với Nga nhưng lại là nguy cơ cao đối với Mỹ, do đó Washington sẽ không thể hoàn toàn bỏ qua bất kỳ sự can thiệp nào của Moscow. Nga hiểu rằng họ hoàn toàn có thể hưởng lợi từ việc tạo được ảnh hưởng với Triều Tiên.
Về phía Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục duy trì nhận thức rằng họ ở gần Nga, nếu có thêm sự hậu thuẫn của Moscow, họ sẽ có thêm sức mạnh trên bàn đàm phán và tăng khả năng cơ động ngoại giao.
Kể từ khi Mỹ công khai bày tỏ hy vọng nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, nếu Nga chính thức tham gia vào "cuộc chơi", bài toán Triều Tiên đã khó nay sẽ càng khó hơn.
Nga có chung biên giới với Triều Tiên, dù chỉ vỏn vẹn có chiều dài khoảng 18km nhưng với đề xuất cử nhóm trung gian hòa giải liên Triều, Nga sẽ có một giải pháp chi phí thấp mà vẫn tạo ra cảm giác rằng Moscow chủ động bảo vệ lợi ích quốc gia thông qua việc can dự vào các vấn đề mang tầm khu vực.
Điều này sẽ tốt cho Tổng thống Putin, người luôn muốn trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Nga ở nước ngoài bất chấp những thách thức ngày càng gia tăng ở trong nước.
Chỉ có điều, Triều Tiên không thực sự sẵn sàng hy sinh các khía cạnh của chương trình hạt nhân mà nước này đang theo đuổi vì tin rằng, điều này có thể gây nguy hiểm cho lợi ích an ninh của mình và do đó, những nỗ lực làm trung gian hòa giải hay muốn gây ảnh hưởng đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như mang một động cơ khác.
Nga biết điều này và phương Tây cũng biết điều đó. Chính vì thế, những động thái về mặt ngoại giao gần đây của Nga có thể chỉ là một "canh bạc" với chi phí thấp, được Nga kỳ vọng sẽ cung cấp cho nước này thêm chút lợi thế trong các cuộc đàm phán về các vấn đề ở những khu vực khác trên thế giới./.