Ông Dmitry Peskov cho biết, Điện Kremlin và Nhà Trắng có đường dây nóng đặc biệt nhằm xoa dịu các cuộc khủng hoảng giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, đường dây này hiện không được sử dụng.
Đường dây nóng giữa Moscow và Washington được thiết lập vào năm 1963 để giảm bớt những nhận thức sai lầm đã làm bùng nổ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 bằng cách cho phép liên lạc trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo 2 nước.
“Chúng tôi có một đường dây an toàn đặc biệt để liên lạc giữa hai tổng thống Nga và Mỹ, thậm chí cả đường dây liên lạc video”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với RIA.
Khi được hỏi kênh này hiện có đang được sử dụng hay không, ông trả lời là “Không”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/11 đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi, cho phép hạ ngưỡng răn đe hạt nhân để đáp trả một loạt các cuộc tấn công thông thường.
Theo học thuyết, hoạt động răn đe hạt nhân sẽ nhằm vào “một đối thủ tiềm tàng, có thể bao gồm các quốc gia riêng lẻ và các liên minh quân sự (khối, liên minh) coi Nga là đối thủ tiềm tàng và sở hữu vũ khí hạt nhân và/hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc có năng lực chiến đấu đáng kể của các lực lượng đa nhiệm”. Học thuyết quy định Nga cũng sẽ tiến hành răn đe hạt nhân đối với các quốc gia cung cấp lãnh thổ, hải phận, không phận và tài nguyên của họ để tấn công Nga.
Học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga được phê chuẩn cùng ngày Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp.
Nga cho rằng việc Ukraine sử dụng ATACMS, tên lửa tầm xa nhất mà Washington đã cung cấp cho Kiev, là một tín hiệu rõ ràng cho thấy phương Tây muốn leo thang xung đột.
Moscow cho rằng Ukraine không thể sử dụng các bệ phóng ATACMS có công nghệ phức tạp nếu không có sự trợ giúp của Mỹ và điều này khiến Washington trở thành một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.
Trước đó Tổng thống Nga Putin cảnh báo Moscow sẽ buộc phải thay đổi lập trường nếu Ukraine được phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để chống lại Nga.
Các nhà ngoại giao Nga cho hay cuộc khủng hoảng giữa Nga và Mỹ hiện nay có thể so sánh với Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 khi hai siêu cường Chiến tranh Lạnh tiến gần nhất đến chiến tranh hạt nhân có chủ đích và rằng phương Tây đang phạm sai lầm nếu họ nghĩ Nga sẽ lùi bước về vấn đề Ukraine.
Điện Kremlin nhấn mạnh, Nga coi vũ khí hạt nhân là một phương tiện răn đe và học thuyết hạt nhân sửa đổi là nhằm tuyên bố rõ với các đối thủ tiềm tàng về sự trả đũa không thể tránh khỏi nếu họ tấn công Nga.