Theo hãng RIA của Nga, trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông ngày càng gia tăng, Bắc Kinh đã tăng tốc những nỗ lực nhằm hiện đại hoá lực lượng hải quân của họ.
Theo đó, ngoài việc lắp mới các chiến đấu cơ, máy bay tuần tra cảnh báo sớm, máy bay và trực thăng diệt tàu ngầm, hải quân Trung Quốc còn lên kế hoạch đóng tàu sân bay thứ ba. Bức ảnh mô hình tàu sân bay thứ ba đã tiết lộ nhiều chi tiết mới khác với hai phiên bản đầu.
Hình ảnh trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Hai phiên bản đầu sử dụng đường băng thiết kế giúp máy bay cất cánh kiểu nhảy cầu, nhưng phiên bản thứ ba không bao gồm cấu trúc này. Điều đó cho thấy, nhiều khả năng Bắc Kinh sử dụng hệ thống phóng máy bay.
Theo tạp chí quốc phòng JHS Jane’s, ảnh vệ tinh chụp từ căn cứ không quân Huangdicun cho thấy việc xây dựng 2 hệ thống phóng máy bay. Một hệ thống có thể sử dụng sức hơi, hệ thống còn lại có thể sử dụng điện từ.
Hệ thống máy phóng máy bay là hệ thống được sử dụng trên các tàu sân bay của Mỹ hiện nay. Còn với Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh và tàu đang tự đóng đều trang bị hệ thống cất cánh kiểu cầu lạc hậu hơn. Hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc được cho là bản sao của chiếc thứ nhất nhưng sẽ tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ tác chiến.
Theo Yin Zhuo, quan chức cơ quan tham mưu của hải quân Trung Quốc, chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Bắc Kinh có thể mang theo nhiều vũ khí, máy bay chiến đấu, và nhiên liệu hơn.
Hồi tháng 6/2016, nhiều bức ảnh chụp tàu ngầm tấn công Type 093 chạy bằng hạt nhân của Trung Quốc đã xuất hiện trên internet. Chiếc tàu này có thể trang bị các ống phóng dọc, có thể khai hoả tên lửa hành trình chống hạm YJ-18 và tên lửa hành trình tấn công trên bộ tầm xa DF-10.
Trong một báo cáo hồi đầu năm 2015, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bắc Kinh có thể đóng nhiều tàu sân bay trong vòng 15 năm tới. Một chuyên gia quân sự giấu tên ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) nói rằng tàu sân bay là vũ khí cần thiết để Bắc Kinh bảo vệ lợi ích của nước này trên Biển Đông.