Nga thay đổi chiến thuật trên không khiến Ukraine khó trở tay

Hồng Anh |

Một cựu đô đốc của Hải quân Mỹ cho rằng, quân đội Nga đang giành ưu thế trong cuộc chiến trên không. Nhận định này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi phương Tây cung cấp thêm hệ thống phòng không.

Một quả tên lửa dẫn đường chính xác của Nga. Ảnh: Khaleej Times

Một quả tên lửa dẫn đường chính xác của Nga. Ảnh: Khaleej Times

Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào không phận Ukraine khi Nga tiếp tục tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này bằng một loạt vụ phóng tên lửa. Trong hai tuần qua, Moscow đã tung ra làn sóng tấn công lớn nhất bằng tên lửa và máy bay không người lái cảm tử kể từ khi xung đột xảy ra.

Nga đang giành ưu thế trên không

Đô đốc đã nghỉ hưu James Stavridis, hiện là Phó Chủ tịch của Tập đoàn Carlyle cho rằng, có hai cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, một ở trên bộ và một ở trên không. Bất chấp việc Ukraine đã giành được nhiều một số bước tiến trên mặt đất trong vài tháng qua, Nga vẫn đang “chiến thắng ở trên không”. Trong một đánh giá đăng trên trang Twitter cá nhân, ông Stavridis nói: Ukraine là câu chuyện về 2 cuộc chiến: một trên bộ và một trên không. Người Ukraine đang thắng trên mặt đất nhưng người Nga đang thắng ở trên không và đang phá hủy cở sở hạ tầng năng lượng của Ukraine”.

Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc thừa nhận, Nga đang cố gắng làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine mà cho đến nay đã ngăn cản quân đội Nga giành toàn quyền kiểm soát bầu trời.

Eurasia Times cho rằng, các máy bay chiến đấu tiên tiến của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga như Su-30SM và Su-35S rất hiệu quả và gây thiệt hại lớn cho các phi đội của Ukraine trong suốt cuộc chiến. Điều này được thể hiện rõ ràng từ những dữ liệu về tổn thất tài sản phòng không của cả hai bên, trong đó thiệt hại của Ukraine lớn hơn nhiều so với Nga. Chưa kể, Lực lượng Không quân Nga cũng áp đảo Ukraine về số lượng với tỷ lệ 10 hoặc 12:1.

Trước khi xung đột nổ ra, kho máy bay chiến đấu của Ukraine bao gồm 30 chiếc Su-27 và khoảng 50 chiếc MiG-29 cũng có thể được sử dụng cho các hoạt động không đối đất. Theo Oryx, một trang blog chuyên theo dõi thiệt hại chiến tranh, tính đến thời điểm hiện tại, Ukraine mất 15 chiếc MiG-29 và 5 chiếc Su-27 còn Nga mất 1 chiếc Su-35S và 11 chiếc Su-30SM.

Mỹ và châu Âu đã tìm kiếm trong kho dự trữ những vũ khí có từ thời Chiến tranh Lạnh cũng như những hệ thống phòng không tên tiến như NASAMS cho Ukraine. Nhưng các chuyên gia nói rằng cuộc xung đột đã trở thành trò chơi của những con số theo “vũ điệu tango phòng thủ và tấn công” và nhiều vấn đề tiềm ẩn sẽ phát sinh khi giao tranh kéo dài.

Ngay cả những hệ thống phòng không như NASAMS cũng đang có những sự hạn về nguồn cung và năng lực. Nhược điểm của chúng là không được thiết kế như một hệ thống phòng thủ trên diện rộng, do đó, Ukraine chỉ có thể phòng thủ hạn chế tại những khu vực nhất định. Ban đầu, NASAMS được chế tạo để bảo vệ các căn cứ không quân, cũng như những vùng không phận nhạy cảm, trong đó có khu vực xung quanh Nhà Trắng.

“Ukraine là một quốc gia rộng lớn, vì thể họ cần rất nhiều hệ thống như vậy. Trên thực tế, họ không có đủ lực lượng để bảo vệ các căn cứ và cơ sở quan trọng. Nhưng Kiev nhiều khả năng sẽ không nhận được đủ NASAMS”, Giáo sư Stephan Frühling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Quốc gia Australia lưu ý.

Giống như nhiều loại vũ khí và đạn dược đã và đang được sử dụng trong giao tranh, có những vấn đề liên quan đến sản xuất và cung ứng. Hệ thống này hiện đang được vận hành ở khoảng 12 quốc gia và Australia nằm trong danh sách các quốc gia đã đặt hàng chúng. Mặc dù Mỹ cam kết sẽ chuyển giao thêm NASAMS cho Ukraine, song Lầu Năm Góc vẫn chưa xác định chính xác thời điểm Kiev có thể nhận được chúng.

Nga thay đổi chiến thuật tấn công

Chiến lược phòng thủ, ngăn chặn xâm nhập của Ukraine từng phát huy hiệu quả ở giai đoạn đầu, nhưng sau đó quân đội Nga đã dần thích ứng và tìm biện pháp đối phó phù hợp. Nga bắt đầu sử dụng một loạt máy bay không người lái (UAV) cảm tử Geran-2 được cho là có nguồn gốc từ UAV Shahed-136 do Iran sản xuất và UAV Lancet do nước này sản xuất với số lượng lớn để áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine.

Những UAV cảm tử đã mang lại cho Moscow giải pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí thay thế cho máy bay không người lái cũng như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đắt đỏ. Chúng được cho là đang làm cạn kiệt kho dự trữ tên lửa không đối không vốn đã khan hiếm của Ukraine.

Các lực lượng Nga đã sử dụng chiến thuật UAV bầy đàn để nhằm vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine như kho đạn, vũ khí. Quân đội Nga được cho là đã triển khai từ 5 UAV trở lên cùng lúc thực hiện cuộc tấn công. Trong một số trường hợp, con số này lên đến 12 chiếc.

Kể từ đầu tháng 10, Nga đã trút hàng loạt tên lửa và đạn pháo từ trên bầu trời để áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine. Mục tiêu của chiến lược này nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine khi mùa Đông đến. Đây là nơi Nga đang giành ưu thế, theo nhận định của cựu Đô đốc Stavridis đã chỉ ra.

Nga thay đổi chiến thuật trên không khiến Ukraine khó trở tay - Ảnh 1.

UAV Lancet của quân đội Nga. Ảnh: Defense Express.

Olga Oleinikova, người đứng đầu Sáng kiến ​​Dân chủ Ukraine tại Đại học công nghệ Sydney (UTS) cho rằng, Nga dường như muốn gửi thông điểm rằng: “Nếu họ muốn, họ có thể nhắm vào các khu vực quan trọng, các trạm điện và gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng ở Ukraine”. Theo chuyên gia này Nga dường như đã tìm thấy “điểm yếu” trong hệ thống phòng không của Ukraine.

Tuy nhiên, bà Olga Oleinikova nhận định, mùa Đông nhiều khả năng sẽ khiến cuộc xung đột diễn ra với tốc độ chậm hơn và có thể dẫn đến sự cạn kiệt các nguồn lực khiến 2 bên buộc phải ngồi vào bàn đám phán. Bà lưu ý, có những dấu hiệu cho thấy Nga đang phải nỗ lực rất nhiều để duy trì các cuộc tấn công ở tốc độ hiện tại. Họ dường như đã chuyển hướng sang Triều Tiên và Iran để mua máy bay không người lái và đạn pháo, đồng thời sử dụng chiếc xe tăng được sản xuất từ ​​cuối những năm 1960 trong kho dự trữ.

Còn giáo sư Fruehling cho rằng về lâu về dài, Nga khó có thể duy trì làn sóng tấn công bằng tên lửa và UAV ở cường độ hiện tại trong thời gian dài, nhưng vẫn chưa rõ khi nào tiến độ sẽ bị chậm lại./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại