Một khu phố tại Kharkiv, Ukraine. Ảnh: Getty
Quyết định của Phần Lan và Thụy Điển, chấm dứt quy chế trung lập và nộp đơn xin gia nhập NATO đã đẩy căng thẳng giữa Moscow và liên minh quân sự được thành lập từ giai đoạn Chiến tranh Lạnh này lên một nấc thang mới.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, các biện pháp đối phó với NATO sẽ đồng bộ với việc trang bị vũ khí, khí tài hiện đại cho quân đội. Ông đồng thời lưu ý, việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO là một minh chứng nữa cho thấy sự gia tăng các mối đe dọa quân sự nhằm vào Nga trong những năm gần đây:
“Căng thẳng tiếp tục gia tăng trong khu vực trách nhiệm của Quân khu miền Tây. Vì thế, chúng tôi đang thực hiện các biện pháp đối phó thích hợp, với việc tích cực cải thiện khả năng tác chiến của quân đội. Đến cuối năm nay sẽ có 12 đơn vị quân đội được thành lập tại Quân khu miền Tây”, ông Sergei Shoigu nói.
NATO hiện triển khai khoảng 40.000 quân tại biên giới phía Đông, tăng gấp 10 lần kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Liên minh quân sự này cũng đã lắp đặt các hệ thống đánh chặn tên lửa tại Ba Lan và Slovakia, trong khi số lượng máy bay chiến đấu hiện diện ở Đông Âu đã tăng lên đáng kể.
Trên thực tế, không chỉ đến cuộc xung đột tại Ukraine, mà thậm chí trước đó, từ năm 2000, việc nước Nga dần khôi phục vai trò và sức mạnh của một cường quốc đã đưa Moscow trở thành một bên trong thế đối trọng với Mỹ và các nước phương Tây. Quyết định của Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO đã một lần nữa đẩy căng thẳng lên cao trào. Phần Lan có đường biên giới trên bộ dài hơn 1.300 km với Nga, dài nhất trong số 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, trong khi Thụy Điển có chung đường biên giới trên biển. Nếu yêu cầu xin gia nhập của 2 nước này được chấp thuận, thì đây có thể sẽ là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong kiến trúc an ninh của châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Trong một động thái có ý nghĩa biểu tượng cao, Nga hôm qua (21/5) ngừng xuất khẩu khí đốt sang Phần Lan, chấm dứt gần 5 thập kỷ hợp tác năng lượng giữa hai nước. Căng thẳng không ngừng leo thang giữa Nga và NATO được dự báo sẽ làm trầm trọng hơn cuộc xung đột tại Ukraine. Sau thời gian đầu diễn ra đều đặn, đàm phán giữa Nga và Ukraine đã bị dừng lại. Liên Hợp Quốc đang tăng cường tiếp xúc với các bên liên quan nhằm thúc đẩy một giải pháp ngoại giao, mà trước tiên là mở rộng hỗ trợ nhân đạo và đảm bảo sơ tán dân thường khỏi các khu vực xung đột.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, cuộc xung đột này kết thúc càng sớm càng tốt hơn cho Ukraine, Nga và thế giới: “Chúng tôi đang liên hệ với chính quyền Ukraine và Nga để nhân rộng các sáng kiến tương tự như tại Mariupol. Chúng tôi chắc chắn sẽ thúc đẩy nhiều hoạt động sơ tán hơn nữa, nhưng sẽ chỉ công khai sau khi hoàn thành như đã làm tại Mariupol. Nếu bạn muốn giải quyết một vấn đề, bạn cần phải đối mặt với những người đã gây ra vấn đề. Vì vậy, nói chuyện với bất kỳ tác nhân nào có liên quan trong cuộc khủng hoảng hiện nay là hoàn toàn phù hợp".
Trong một diễn biến liên quan, Italy hôm qua đã đệ trình Liên Hợp quốc dự thảo đề xuất về một lộ trình hòa bình cho Ukraine, trong đó yêu cầu sự tham gia của các quốc gia và tổ chức khác nhau. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Italy Manlio Di Stefano, việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ có thể thực hiện được thông qua các hành động ngoại giao phối hợp ở cấp độ quốc tế./.