Nga sẽ "trả lại" đảo cho Nhật?

Duy Linh |

Tokyo sẽ sử dụng cụm từ “chuyển giao” thay vì “thu hồi” đối với 2 trong số 4 hòn đảo đang tranh chấp nằm ngoài khơi Hokkaido hiện do Nga quản lý.

Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản tiết lộ hiệp ước hòa bình giữa nước này và Nga có thể sẽ đạt được một số tiến bộ đáng kể trong tháng 12 tới.

Chính quyền Tokyo đang xem xét thay đổi chiến lược đàm phán chủ quyền đối với bốn hòn đảo mà Nhật Bản gọi là “Lãnh thổ phương bắc” còn Nga gọi là quần đảo nam Kuril.

Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe tin rằng nếu Tokyo đánh giá lại chiến lược đàm phán hiện tại và linh hoạt hơn trong vấn đề chủ quyền, hai nước có thể sớm đi tới hiệp ước hòa bình, nguồn tin này khẳng định.

Cả bốn hòn đảo là Shikotan, Habomai, Etorofu và Kunashiri đang tranh chấp giữa hai nước đều do Nga quản lý từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Quan điểm của Nhật Bản từ trước đến nay là khẳng định chủ quyền đối với tất cả bốn hòn đảo trên và nhấn mạnh việc Nga tiếp tục chiếm đóng là "không có căn cứ pháp lý".

Trong khi đó, Nga tiếp tục căn cứ vào Tuyên bố chung giữa Liên Xô và Nhật Bản năm 1956, trong đó nêu rõ Matxcơva sẽ chuyển giao hai đảo Shikotan và Habomai cho Tokyo sau khi ký hiệp ước hòa bình.

Dự kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đi thăm Nhật và có cuộc gặp với Thủ tướng Shinzo Abe vào ngày 15-12 tới.

Nguồn tin của Kyodo tiết lộ rằng theo cách tiếp cận mới, số phận của hai đảo Etorofu và Kunashiri sẽ được tiếp tục thảo luận trong tương lai. Riêng đối với đảo Shikotan và Habomai, Tokyo sẽ sử dụng cụm từ “bàn giao” thay vì “thu hồi” như trong các cuộc đàm phán trước đây với Nga.

Khúc xương trong quan hệ Nga - Nhật

Vấn đề chủ quyền đối với bốn hòn đảo này là hòn đá tảng cản trở con đường tiến tới hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật Bản. Hai quốc gia vẫn chưa ký kết hiệp ước này kể từ khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc.

Năm 1993, Tuyên bố Tokyo nhấn mạnh hiệp ước hòa bình giữa hai nước chỉ có thể được ký kết một khi đã giải quyết xong tranh chấp quyền sở hữu đối với tất cả bốn hòn đảo.

Sự khác biệt về quan điểm giữa Nga và Nhật Bản đã khiến các cuộc đàm phán bị trì trệ kéo dài.

Cũng theo hãng tin Kyodo, hồi cuối tháng 9 vừa qua, khi nói chuyện với Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida, Thủ tướng Abe đã đề cập về khả năng thay đổi chiến lược tiếp cận mới.

Người Nga cho rằng họ đã chiến đấu chống lại Nhật Bản vì chính nghĩa nên tự hào đòi cả bốn hòn đảo. Các quốc gia giành chiến thắng sẽ không bao giờ thay đổi quan điểm lịch sử của họ”, ông Abe nói.

Ông Abe tiếp tục nhắc lại hiệp ước hòa bình với Nga trong một phiên họp Quốc hội ngày 3-10 rằng ông sẽ “giải quyết vấn đề thuộc tính của bốn hòn đảo và đi tới thỏa thuận hòa bình”.

Những thông tin mà hãng tin Kyodo đưa ra vẫn còn nằm trong sự hoài nghi. Thực tế, việc chính quyền Tokyo tiếp tục giữ bí mật về cách tiếp cận hiệp ước hòa bình với Nga đã làm dấy lên không ít suy đoán.

Cách đây hai ngày, nhật báo Nikkei của Nhật đã “dẫn một nguồn tin từ chính phủ” tiết lộ chính quyền của Thủ tướng Abe đã đề xuất cùng quản lý bốn hòn đảo tranh chấp với Nga để sớm đi tới hiệp ước hòa bình.

Nhưng Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngay lập tức đã lên tiếng phủ nhận "những suy đoán" mà tờ Nikkei công bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại