Nga sẽ không dung thứ cho bất kỳ thế lực nào muốn thay đổi Công ước Montreux

Tiến Thành |

Trợ lý tổng thống Nga Nikolai Patrushev cho biết Moscow sẽ không cho phép thế lực ngoài Biển Đen duy trì hiện diện hải quân thường trực ở đó.

Tàu ngầm và chiến hạm Nga hoạt động tại Biển Đen.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Sputnik, trợ lý Patrushev cho biết Nga không có ý định để bất kỳ ai làm suy yếu vị thế của mình tại khu vực này, đồng thời nói thêm rằng sự hiện diện thường trực của hải quân các nước ngoài Biển Đen tại vùng biển này "vi phạm Công ước Montreux" sẽ không được dung thứ.

Ông cũng chỉ ra rằng Hạm đội Biển Đen của Nga vẫn duy trì khả năng chiến đấu và sẵn sàng đẩy lùi mọi mối đe dọa trên biển, bất chấp thực tế là "các hành động hung hăng" của Kiev trong khu vực đang được "các chuyên gia NATO phối hợp".

Cùng với đó, trợ lý Patrushev chỉ ra rằng Mỹ và Anh đã mất đi phần lớn sức mạnh hải quân đáng kể trước đây của họ.

Ví dụ, hải quân Anh đang phải chịu tình trạng thiếu hụt thủy thủ nghiêm trọng vì lực lượng hải quân không còn được coi trọng ở đó nữa, ông cho biết.

"Những dấu hiệu suy giảm sức mạnh hải quân cũng được nhìn thấy ở Mỹ. Trên lý thuyết, họ có một hạm đội lớn, nhưng trên thực tế, tinh thần của thủy thủ đoàn xuống thấp, thiếu nhân sự thường xuyên, thiếu khả năng sửa chữa và công nhân đóng tàu", Patrushev nói thêm.

Ngược lại, Nga vẫn duy trì vị thế là một trong những cường quốc hải quân hàng đầu thế giới và hải quân Nga tiếp tục thực hiện mọi nhiệm vụ của mình, bao gồm cả nhiệm vụ quan trọng nhất – răn đe hạt nhân.

"Các đối thủ của chúng ta nên biết rằng lá chắn hạt nhân trên biển của Nga luôn bảo vệ đất nước chúng ta", ông Patrushev tuyên bố.

Trong cuộc phỏng vấn, ông đề cập rằng trong khi Mỹ và các đồng minh châu Âu theo đuổi việc quân sự hóa Biển Baltic, Nga đang thực hiện các biện pháp bổ sung để tự bảo vệ sau khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO và trong bối cảnh xảy ra vụ nổ Dòng chảy phương Bắc.

"Hiện nay, đảm bảo an ninh ở Baltic là nhiệm vụ quân sự và chính trị quan trọng nhất. Kể từ khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, cũng như trong bối cảnh vụ nổ Dòng chảy phương Bắc, Nga đã thực hiện các biện pháp bổ sung để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền kinh tế của mình", Patrushev nói.

Ông cũng cảnh báo rằng Mỹ dường như đang chuẩn bị kích động leo thang hơn nữa ở Trung Đông dưới chiêu bài tiến hành các hoạt động hải quân ở đó để bảo vệ giao thông hàng hải.

Mục tiêu cuối cùng của những hành động này là tạo điều kiện phân phối lại thị trường năng lượng và gây áp lực lên các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, những nước quan tâm đến nguồn cung cấp năng lượng từ nước ngoài.

Tuyên bố của ông Patrushev được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin Mỹ và các đồng minh NATO đang xem xét khả năng thay đổi chế độ đi lại thông qua các eo biển thuộc Biển Đen, vốn được thiết lập theo Công ước Montreux.

Theo ông Patrushev, tập thể phương Tây đang ấp ủ kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân sự của họ ở Biển Đen bằng cách sửa đổi những thỏa thuận quốc tế hiện có về việc tiếp cận khu vực này.

Ông Patrushev cáo buộc Mỹ và NATO đang tìm cách sử dụng những tuyến đường thủy nội địa của châu Âu cho mục đích quân sự, để tạo điều kiện tiếp cận Biển Đen.

Công ước Montreux là một thỏa thuận quốc tế được ký năm 1936 tại thành phố Montreux của Thụy Sĩ, quy định việc đi lại của các tàu quân sự và thương mại qua eo biển Bosporus cũng như Dardanelles, nối liền Biển Đen và Địa Trung Hải.

Văn bản này trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền kiểm soát eo biển và được phép điều chỉnh việc đi lại của tàu chiến nước ngoài trong thời bình cũng như thời chiến, đảm bảo sự cân bằng lợi ích của các nước trong khu vực Biển Đen và cộng đồng quốc tế.

Đối với tàu quân sự của các quốc gia không thuộc Biển Đen, Công ước Montreux quy định có những hạn chế được đặt ra liên quan đến trọng tải và thời gian lưu trú cụ thể trong vùng biển này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại