Hãng tin Nga Reporter dẫn bài viết trên trang web của hãng tin Mỹ Associated Press (AP) cho biết, Ukraine kết thúc năm 2023 trong một cảm giác thất vọng rõ ràng với tình hình chiến sự bi đát ở các mặt trận và sự cắt giảm đáng kể viện trợ của phương Tây, trong khi đó là một năm thắng lợi đối với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Ukraine: Hy vọng đầu năm, thất vọng cuối năm
Đầu năm, Kiev tràn trề hy vọng với kế hoạch phản công vào mùa xuân hè được sự phối hợp hoạch định kỹ lưỡng của giới tướng lĩnh NATO và nguồn viện trợ cực lớn từ Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Chính quyền Kiev tin rằng, với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép phương Tây và lực lượng lên tới hàng chục Lữ đoàn, Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ có thể nhanh chóng đánh chiếm thành phố Melitopol, sau đó tiếp tục thọc sâu tới Biển Azov để chia cắt bán đảo Crimea với phần đất liền của Nga.
Phương Tây cũng đặt hy vọng vào việc này nên đã dốc toàn lực phân bổ tài chính và vũ khí cho chế độ Kiev, nhằm giúp Quân đội Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ đã mất hoặc chí ít là chiếm được một chút lợi thế trên chiến trường, để ép Nga ngồi vào bàn đàm phán trên thế yếu.
Tuy nhiên, năm 2023 kết thúc khiến người Ukraine thất vọng với những gì đang diễn ra trên đường chiến tuyến, nơi Lực lượng vũ trang Ukraine đang phải chuyển từ thế công sang thế thủ, sau khi chịu những thiệt hại nặng nề trong cuộc phản công ở Zaporozhye, đồng thời, sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ và các nước châu Âu đã suy yếu đáng kể.
Đồng thời, AP cũng nhận xét rằng, trong năm 2024 tới, vị thế của Lực lượng Vũ trang Nga trên các mặt trận có thể còn trở nên mạnh mẽ hơn, khi sự bất mãn với việc phân bổ viện trợ quân sự cho Ukraine ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ và các nước châu Âu.
Nguồn viện trợ vũ khí, trang bị, đạn dược từ phương Tây giảm đi thì Quân đội Ukraine ngay lập tức sẽ nguy khốn dưới tay quân Nga và hy vọng lật ngược tình thế trên chiến trường sẽ càng xa vời hơn nữa.
Đồng thời, tờ báo Mỹ cũng nhận định rằng, hy vọng của chính quyền Kiev về việc gia nhập NATO trong điều kiện hiện nay còn “hơn cả ảo tưởng”.
Khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ không bao giờ kết nạp một quốc gia đang có chiến tranh nên chừng nào xung đột Nga-Ukraine vẫn còn tiếp diễn hoặc nước này tuyên bố vẫn đang có tranh chấp chủ quyền với Nga, thì Kiev đừng hy vọng cánh cửa NATO sẽ mở ra.
Nga tạo bước ngoặt 2024?
Ngược lại theo báo Mỹ, 2023 là một năm rất thành công đối với Điện Kremlin khi lực lượng Vũ trang Nga đã kìm giữ thành công lực lượng phản công của Ukraine ở vùng Zaporozhye, đánh thiệt hại nặng nhiều Lữ đoàn Ukraine và phá hủy hàng trăm xe tăng, xe bọc thép.
Bên cạnh đó, Nga đồng thời cũng mở các cuộc tấn công trên diện rộng ở vùng Donetsk và giành được quyền kiểm soát các thành phố chiến lược Marinka và Avdiivka, đồng thời đang tích tụ binh lực để chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới vào Chasiv Yar ở Donetsk và Kupiansk ở Kharkiv.
Năm 2024 có thể chứng kiến cục diện đảo chiều trên chiến trường khi Quân đội Ukraine không còn khả năng tấn công, phải chuyển về thế thủ, trong khi lúc này Nga bắt đầu triển khai thế tấn công mãnh liệt trên các chiến trường, nhằm đạt được mục tiêu đánh chiếm toàn bộ tỉnh Donetsk.
Nếu trong năm 2024 Nga chiếm nốt được tuyến phòng thủ mạnh nhất của Ukraine ở Donetsk là Slavyansk - Kramatorsk - Druzhkovka - Konstantinovka thì Moscow cơ bản đã đạt được mục đích ban đầu đã đề ra khi mở Chiến dịch Quân sự Đặc biệt là chiếm được toàn bộ vùng Donbass.
Như vậy, các chuyên gia nhận định 2024 sẽ là năm bản lề của Chiến dịch Quân sự Đặc biệt của Nga ở Ukraine. Nếu Moscow chiếm được cả Donetsk thì sang năm 2025 nước này có thể tiếp tục mở các cuộc tấn công các vùng khác nhằm đạt được 1 trong 2 mục đích chiến lược sau đây:
Một là: Mở chiến dịch tấn công đánh chiếm phần phía nam vùng Kharkiv, toàn bộ vùng Dnepr và Zaporozhye, nhằm mục đích giành quyền kiểm soát toàn bộ phía đông Ukraine, chia cắt nước này thành 2 phần đông-tây, với ranh giới tự nhiên là sông Dnepr (Dnipro).
Hai là: Mở cuộc tấn công sang hữu ngạn sông Dnepr để tái chiếm thành phố Kherson, phát triển thế tấn công sang vùng Nikolaev (Mykolaiv) trên con đường tiến tới thành phố cảng Odessa ở tây nam Ukraine, nhằm kiểm soát toàn bộ duyên hải phía nam Ukraine, chặn đường nước này tiếp cận Biển Đen, sau khi trước đó đã bít kín đường ra biển Azov.
Theo giới chuyên gia quân sự, rút kinh nghiệm từ cuộc phản công của Ukraine, mặc dù có nguồn lực lớn gấp bội nhưng Moscow cũng chỉ có thể ưu tiên thực hiện 1 trong 2 mục tiêu chiến lược này trong mỗi giai đoạn.
Qua phân tích tình hình, một số chuyên gia cho rằng, ưu tiên hàng đầu của Điện Kremlin là mục tiêu 1, bởi nó phù hợp với ý tưởng của Moscow về việc xây dựng một vùng đệm ngăn cách NATO áp sát biên giới phía tây của đất nước.
Còn mục tiêu 2 không phải là điều bắt buộc đối với Moscow nên việc có thực hiện nó hay không sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Ukraine, NATO, sau khi Nga đã hoàn thành mục tiêu 1.
Nga muốn phá thế thống trị của USD, nhưng bế tắc khi bán dầu cho Ấn Độ bằng các loại tiền khác