Nga ra điều kiện với phương Tây

Anh Thư |

Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ cáo buộc Moscow phải chịu trách nhiệm đối với những vấn đề về nguồn cung lương thực trên thế giới.

Ukraine có thể xuất khẩu đến 6 triệu tấn lúa mì, lúa mạch và ngô mỗi tháng trước khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra Ảnh: REUTERS

Ukraine có thể xuất khẩu đến 6 triệu tấn lúa mì, lúa mạch và ngô mỗi tháng trước khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra Ảnh: REUTERS

Tình trạng thiếu lương thực trên thế giới không phải lỗi của Nga nhưng Moscow sẵn sàng xuất khẩu ngũ cốc và phân bón để giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng nếu phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mang động cơ chính trị.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói như vậy trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Ý Mario Draghi hôm 26-5 với nội dung tập trung vào các biện pháp đối phó cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra.

Theo ông chủ Điện Kremlin, tình hình hiện nay là do tình trạng gián đoạn sản xuất và trong các chuỗi cung ứng, cũng như các chính sách tài chính của phương Tây trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát. Mọi chuyện càng thêm tồi tệ bởi các biện pháp trừng phạt Nga do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau điện đàm, Thủ tướng Draghi cho biết mục đích cuộc trao đổi này là tìm cách giải tỏa lượng ngũ cốc đang mắc kẹt tại các kho chứa ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Ý kêu gọi Nga và Ukraine phối hợp để dỡ bỏ tình trạng phong tỏa các cảng ở biển Đen, nơi lúa mì bên trong các kho chứa đang có nguy cơ bị hỏng.

Theo Reuters, ông Draghi cho biết sẽ điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về vấn đề này. Dù vậy, Nhà Trắng cho biết hiện chưa có cuộc thảo luận nào diễn ra về việc nới lỏng trừng phạt Nga để đổi lấy xuất khẩu ngũ cốc.

Ngoài động thái của ông Draghi, Liên Hiệp Quốc đang nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận để vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua các cảng ở biển Đen. Phía Bộ Quốc phòng Nga cũng đề xuất các hành lang cho phép tàu nước ngoài rời cảng dọc biển Đen, cũng như cảng Mariupol ở biển Azov.

Ông Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát quốc phòng Nga, cho biết 70 tàu nước ngoài (thuộc 16 quốc gia) hiện có mặt ở 6 cảng biển ở biển Đen, trong đó có Odesa, Kherson, Mykolaiv. Tuy nhiên, ông Mizintsev không nói rõ có bao nhiêu tàu sẵn sàng chở lương thực.

Trong lúc đợi các bước đi ngoại giao mang lại kết quả, ông Roman Rusakov, quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp Ukraine, hôm 26-5 cho biết nước này đang tìm cách xuất khẩu ngũ cốc bằng đường bộ và đường sắt để giúp giảm nhẹ khủng hoảng lương thực.

Dù vậy, theo AP, phương thức vận chuyển bằng đường sắt chỉ đưa được một phần nhỏ lương thực ra khỏi Ukraine. Chẳng hạn như xe lửa chỉ chở được tối đa 60.000 tấn ngũ cốc từ Ukraine đến Áo hoặc Đức mỗi tháng.

Vào thời điểm này, Ukraine có ít nhất 20 triệu tấn ngũ cốc cất trữ trong kho và Công ty Tư vấn nông nghiệp APK-Inform ước tính có thể có thêm khoảng 40 triệu tấn nữa trong vụ thu hoạch vào mùa hè này.

Đại sứ Ukraine tại Áo Vasyl Khymynets lạc quan cho rằng Kiev có thể xuất khẩu đến 600.000 tấn ngũ cốc bằng đường bộ mỗi tháng dù con số này vẫn còn thấp so với thời điểm trước khi xung đột diễn ra (ngày 24-2-2022).

Khi đó, Ukraine có thể xuất khẩu đến 6 triệu tấn lúa mì, lúa mạch và ngô mỗi tháng. Tuy nhiên, con số này đã giảm còn 300.000 tấn vào tháng 3 trước khi tăng lên 1,1 triệu tấn trong tháng 4. Chính phủ Ukraine muốn nâng con số này lên 2 triệu tấn nhưng gặp không ít thách thức về hậu cần như thiếu toa xe lửa, nhiên liệu, xe tải...

Việc khắc phục những trở ngại như thế có thể mất nhiều năm và hàng tỉ USD. Ông Rusakov thừa nhận không thể nào đạt được mục tiêu trên trừ khi các cảng ở biển Đen không còn bị phong tỏa.

Nỗi lo gia tăng về an ninh lương thực

Nguy cơ thiếu ăn ở Brazil đang cao hơn bao giờ hết khi tỉ lệ người dân không đủ tiền mua thức ăn cho bản thân hoặc gia đình tại một số thời điểm trong năm 2021 đã tăng lên mức kỷ lục 36%, so với tỉ lệ 30% vào năm 2019. Đây là kết quả phân tích được tổ chức Getulio Vargas Foundation (FGV) công bố hôm 26-5 dựa trên dữ liệu từ cuộc thăm dò của Công ty Gallup (Mỹ).

Theo FGV, đây là lần đầu tiên tình trạng mất an ninh lương thực của đất nước sản xuất lương thực lớn nhất châu Mỹ Latin cao hơn mức trung bình của thế giới kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được thu thập năm 2006. Ông Marcelo Neri, tác giả nghiên cứu nói trên, nhận định giá lương thực đã tăng mạnh theo sau cuộc xung đột Nga - Ukraine và gọi tình hình này là đáng lo.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal vừa tuyên bố nước này sẽ giữ nguyên lệnh cấm xuất khẩu lúa mì để bảo đảm sự ổn định thị trường nội địa và hạn chế "tình trạng tích trữ vô đạo đức" trên thế giới.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thụy Sĩ hôm 25-5, ông Goyal nói rằng quyết định này không ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu do lượng xuất khẩu của Ấn Độ chiếm chưa đến 1% tổng lúa mì giao dịch trên thế giới. Ngoài ra, New Delhi vẫn duy trì xuất khẩu sang một số quốc gia dễ bị tổn thương và nước láng giềng.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) Kristalina Georgieva kêu gọi Ấn Độ xem xét lại lệnh cấm được đưa ra vào giữa tháng 5. Theo bà Georgieva, nước này hiện đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và ổn định lương thực toàn cầu. Ấn Độ là quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) nhưng xuất khẩu không nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại