Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev phản bác cáo buộc của phương Tây. Ảnh: Sputnik.
Mũi dùi phương Tây chĩa vào Nga
Tòa Hình sự quốc tế (ICC) đang điều tra về khả năng tội ác chiến tranh được thực hiện trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.
Phương Tây tố cáo Nga cố tính nhằm vào dân thường, sử dụng phương pháp tác chiến không phân biệt mục tiêu, và sử dụng bom chùm…
Đích thân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tháng 3/2022 đã tuyên bố rằng quân đội Nga đã phạm các tội ác chiến tranh ở Ukraine.
Khi ấy, Ngoại trưởng Blinken viết như sau: “Đánh giá của chúng tôi dựa trên việc xem xét cẩn trọng thông tin có giá trị từ các nguồn công khai và tình báo. Với các cáo buộc tội ác, một tòa án có thẩm quyền sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng về xác định tội nào đã phạm phải trong trường hợp cụ thể. Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi các báo cáo về tội ác chiến tranh và sẽ chia sẻ thông tin chúng tôi thu thập được với các đồng minh, đối tác, và các thể chế, tổ chức quốc tế phù hợp. Chúng tôi cam kết theo đuổi trách nhiệm sử dụng mọi công cụ có sẵn, bao gồm cả truy tố hình sự”.
Nga phản bác cáo buộc tội ác chiến tranh và đe dọa truy tố
Về phần mình, Nga đã nhất quán phủ nhận mọi cáo buộc tương tự như trên. Họ nói mình đang thực hiện một “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống lại lực lượng tân Quốc xã ở Ukraine và chỉ tấn công vào các cơ sở hạ tầng quân sự của đối phương.
Ông Medvedev – cựu Tổng thống và cựu Thủ tướng Nga, đồng thời là đồng minh thân cận của đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã gọi các nỗ lực tạo ra các tòa án để điều tra xét xử hành vi của Nga trong cuộc tấn công Ukraine là “điên rồ”.
Ông Medvedev đăng tải lên kênh Telegram của mình đoạn sau: “Các đề xuất này không chỉ vô giá trị về pháp lý. Bản thân ý tưởng trừng phạt đất nước có tiềm lực hạt nhân lớn nhất thế giới đã là ngớ ngẩn”.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nói, việc trừng phạt Nga vì “tội ác chiến tranh” có tiềm năng “đe dọa sự tồn tại của nhân loại”, ám chỉ khả năng vũ khí hạt nhân được sử dụng để đáp trả.
Công kích ngược lại Mỹ, cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân
Không chỉ bác bỏ các cáo buộc, Dmitry Medvedev còn công kích ngược trở lại Mỹ trong đoạn đăng tải của mình trên Telegram.
Ông Medvedev công kích lịch sử Mỹ từ thời người Indian bản địa bị đàn áp trong “hàng loạt cuộc chiến đẫm máu”.
Cựu Tổng thống Nga viết: “Sao chẳng có tòa án nào lên án Mỹ vì đã làm đổ cả một đại dương máu ở Việt Nam và những nơi khác? Chẳng có tòa nào cả! Không có cơ quan siêu quốc gia nào được lập ra cho mục đích đó, nhưng số lượng các nạn nhân của các chính sách của Mỹ sánh được với số các nạn nhân của chế độ Quốc xã”.
Ông Medvedev tiếp tục: “Vậy ai sẽ xét xử chúng tôi? Chẳng nhẽ đó là những người đã từng sát nhân, từng phạm tội ác chiến tranh không bị trừng phạt và không gặp phải sự lên án tại các cấu trúc quốc tế do họ cung cấp tài chính?”
Chính trị gia Medvedev nhắc nhở Mỹ rằng họ có thể đối mặt “sự trừng phạt của Chúa” nếu theo đuổi nỗ lực điều tra về hoạt động của Nga ở Ukraine .
Ông Medvedev cho rằng Mỹ nỗ lực “làm lan truyền tình trạng hỗn loạn và phá hủy trên thế giới chỉ vì mục đích “dân chủ”.”
Cũng theo ông Medvedev, nỗ lực đưa Nga ra truy tố là nỗ lực của Mỹ “phán xét người khác trong khi bản thân lại được miễn trừ khỏi các xét xử”. Ông nhắc Mỹ nhớ lại ngôn từ trong Kinh thánh: “Đừng phán xét và bạn sẽ không bị phán xét”.
Các cảnh báo của ông Medvedev được đưa ra sau hàng loạt tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Putin và đội ngũ quan chức của ông đề cập kho vũ khí hạt nhân của Nga nhằm răn đe phương Tây chớ can thiệp vào hành động của Nga ở Ukraine.
Ông Medvedev từng làm Tổng thống Nga nhiệm kỳ 2008-2013 khi ông Putin lui về chức vụ Thủ tướng do giới hạn nhiệm kỳ. Ông Medvedev được đánh giá là mềm mỏng hơn so với ông Putin nhưng gần đây ông Mevedev đã có nhiều bình luận cứng rắn hơn trước nhiều.
Trong khi đó, hôm 6/7 Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin (trợ lý lâu năm của ông Putin) cũng cảnh báo Mỹ rằng vùng đất Alaska của Mỹ cũng từng thuộc Nga (Nga trước đây bán vùng đất này cho Mỹ). Ông nói: “Nếu Mỹ nỗ lực tịch thu tài sản của chúng tôi ở nước ngoài thì họ nên nhận thức rằng chúng tôi cũng có cái gì đó để đòi lại”./.