Nga không cần liên minh
Tuyên bố của Nga được Ngoại trưởng Sergey Lavrov đưa ra sau cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Perfecto Yasay đang ở thăm Nga hôm 5/12.
"Về các khối quân sự, chúng tôi tin rằng các vấn đề an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần được giải quyết trên cơ sở phổ quát, không lập khối, để tất cả các nước trong khu vực biết rằng đang có một số thỏa thuận đảm bảo nền an ninh bình đẳng và chung nhất cho tất cả các nước đó", Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.
Tuyên bố Nga đưa ra về một liên minh hay khối quân sự tại châu Á - TBD đã khá rõ ràng tuy nhiên trên thực tế việc thành lập một Liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc đang dần hình thành nhưng hình thức thành lập và tổ chức mang tính pháp luật thì không giống như NATO. Đó là nhận định của Viện trưởng Viện Đông phương thuộc Đại học Kinh tế Nga Alexey Maslov.
Nga - Trung Quốc tập trận chung hồi năm 2015
Theo Alexey Maslov, khi đề cập tới cuộc Diễn tập “Liên hợp trên biển 2016” giữa hải quân Nga và Trung Quốc ông Maslov cho rằng, căng thẳng trên Biển Đông đang diễn ra không chỉ liên quan trực tiếp đến các nước có tuyên bố chủ quyền lãnh hải tại đây mà còn là sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Việc Washington thực hiện chính sách “Tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương”, cũng như những cam kết và hành động kiềm chế và ngăn cản những hoạt động trái phép của Bắc Kinh đã và đang diễn ra trên Biển Đông, đặc biệt là phán quyết của PCA hồi tháng 7/2016 bác bỏ điều phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông chính là “thiên thời” để Moscow xích lại gần hơn với Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, không thể không nói tới các hoạt động quân sự gây sức ép, uy hiếp đến an ninh Nga của NATO; đòn trừng phạt kinh tế mà Mỹ và EU đã và đang áp đặt với Nga trong thời gian qua… chính là những nhân tố khiến Nga cố gắng tận dụng “thiên thời” này.
Vị chuyên gia Nga nhận định rằng, Biển Đông (khu vực mà Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền phi pháp) là vấn đề đang khiến Mỹ và Trung Quốc phải đau đầu lại chính là “địa lợi” đối với Nga.
Bởi vì, Biển Đông nằm quá xa lãnh thổ Nga, giáp lãnh thổ Trung Quốc và rất gần các căn cứ quân sự Mỹ nên cho dù tình hình khu vực Biển Đông có diễn biến thế nào đi nữa thì ảnh hưởng xấu đối với Nga không những không đáng kể, mà thậm chí còn có lợi trong tình hình hiện nay.
Việc Mỹ thực hiện chính sách tái cân bằng Châu Á - Thái Bình Dương cũng như phản đối và can thiệp vào các hoạt động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông buộc Lầu Năm Góc phải có sự phân tán về lực lượng, do đó sẽ buộc phải giảm sức ép đối với Nga.
Vấn đề còn lại là “nhân hòa”, một loạt các động thái diễn ra gần đây cho thấy Moscow và Bắc Kinh đang nỗ lực hòa hợp với nhau để khắc chế những thách thức mà cả hai nước này đang phải đối mặt, mà những thách thức này chủ yếu là đến từ Mỹ và NATO.
Diễn tập “Liên hợp trên biển 2016” (Naval Interection 2016) giữa Nga và Trung Quốc sẽ diễn ra ở Biển Đông từ ngày 12 đến 19/9 là một trong những động thái “hòa hợp” giữa Nga và Trung Quốc.
Vẫn biết, diễn tập “Liên hợp trên biển 2016” là cuộc diễn tập thường niên lần thứ 5 và nằm trong khuôn khổ kế hoạch từ trước, nhưng việc quân đội Nga thỏa thuận và đồng ý về địa điểm diễn tập tại Biển Đông cũng như thời gian diễn tập vào lúc tình hình nơi đây đang căng thẳng cho thấy, đây không đơn giản chỉ là một cuộc diễn tập chung mang tính thủ tục.
Động thái của Nga - Trung
Trước những ý tưởng của vị chuyên gia Nga cho thấy rằng, ngoài những chính sách ngoại giao và hợp tác kinh tế, quân sự là một kênh hợp tác mà Nga - Trung đang nỗ lực xây dựng để kiến tạo thêm cơ sở “nhân hòa” cho việc thành lập một Liên minh quân sự.
Trước khi diễn ra cuộc diễn tập quân sự chung Nga-Trung là tuyên bố công khai ủng hộ Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của PCA tại Hội nghị G20 của Tổng thống Nga Putin ngày 5/9 vừa qua, chứng tỏ Moscow đang mong muốn nắm chặt tay hơn nữa với Bắc Kinh.
Phải chăng, thông qua tuyên bố này của Putin, Moscow muốn gửi tới Bắc Kinh một thông điệp bày tỏ mong muốn có được yếu tố “nhân hòa” để đủ điều kiện tạo nên một liên minh quân sự giữa hai nước.
Diễn tập “Liên hợp trên biển 2016” giữa Nga và Trung Quốc hiện đang diễn ra trên Biển Đông (từ ngày 12 đến ngày 19/9). Hải quân Nga điều 3 chiến hạm và 2 tàu bảo đảm - một lực lượng có thể nói là khiêm tốn hơn nhiều so với diễn tập trên biển Hoa Đông năm 2015 với 16 tàu chiến mặt nước, 2 tàu ngầm và 21 máy bay.
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc, sở dĩ lực lượng tham gia gia diễn tập của hải quân Nga lần này ít như vậy là do khu vực tổ chức diễn tập cách xa biên giới nước Nga. Kịch bản diễn tập lần này giữa hải quân Nga và hải quân Trung Quốc được cho là quy mô lớn với những hoạt động quân sự cả trên biển, trên bờ và trên không.
Các khoa mục giả định trong diễn tập gồm phản kích hải quân địch tấn công khi các tàu đang neo đậu tại chỗ; phát hiện và cứu hộ tàu dầu mất tích; giải cứu tàu bị hải tặc bắt giữ và cứu hộ đưa tàu về cảng.
Ngoài ra, một khoa mục đặc biệt quan trọng là lực lượng hải quân đánh bộ của hải quân Nga và Trung Quốc triển khai hành động đổ bộ đánh chiếm lại các đảo đã "bị chiếm đóng". Các khoa mục diễn tập sẽ có sự yểm trợ của pháo và tên lửa trên không tấn công các mục tiêu đối phương trên biển.
Có thể thấy rằng, một liên minh quân sự giữa Nga - Trung Quốc rất nhiều khả năng sẽ hình thành đúng như nhận định của học giả Nga Alexey Maslov, Diễn tập "Liên hợp trên biển 2016" chỉ là một biểu hiện ban đầu, hãy chờ thời gian sẽ cho chúng ta một câu trả lời chính xác.