Vào tháng 7 năm 2023, Nga đã bắt đầu sử dụng máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 (còn được gọi là Geran-2), được sản xuất trực tiếp tại các cơ sở của ngành công nghiệp quốc phòng nước này để tấn công Ukraine.
Tuy nhiên phân tích mảnh vỡ của những chiếc UAV nói trên cho thấy mặc dù Nga đã làm mọi cách để giảm chi phí và tăng quy mô sản xuất lên càng nhiều càng tốt, nhưng họ vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp linh kiện bên ngoài.
Nga phải nhập khẩu hơn 100 linh kiện của 22 công ty đến từ 7 quốc gia trên thế giới. Theo Trung tâm Nghiên cứu vũ khí xung đột (CAR), phần lớn thành phần nhập khẩu có nguồn gốc Trung Quốc, Thụy Sĩ và Mỹ.
Các nhà phân tích của CAR nhấn mạnh rằng họ chưa thể nêu tên những nhà cung cấp này vì chưa hoàn thành tất cả các thủ tục theo dõi nhằm đưa ra bằng chứng xác thực.
Nhưng CAR chỉ ra rằng khoảng một phần ba các thành phần nước ngoài được tìm thấy trong những chiếc Shahed-136 do Nga sản xuất tại thời điểm trước tháng 1 năm 2023.
Trong khi đó sản phẩm chế tạo thời gian gần đây đã giảm đáng kể linh kiện có nguồn gốc từ bên ngoài, chúng được thay thế dần bằng sản phẩm nội địa.
Các nhà phân tích đã nhận ra khác biệt giữa những chiếc Shahed-136 đang phục vụ trong lực lượng vũ trang Nga và Iran để đưa ra kết luận quan trọng.
Có vẻ như để mở rộng quy mô sản xuất UAV cảm tử Shahed-136, Nga đã cố gắng đơn giản hóa không chỉ cấu tạo khung thân, mà còn cả các thành phần của thiết bị điện tử trên máy bay.
Điều này xuất phát từ sự so sánh trực quan mà CAR nhận thấy về sự khác biệt trong hình thức bên ngoài của bệ phóng B-103, thiết bị điện tử và các yếu tố khác trong bộ phận điều khiển chuyến bay B-101.
Bên cạnh đó là khác biệt về hình thức bên ngoài của thiết bị dẫn đường sử dụng module Kometa - điển hình trên các UAV khác của Nga, cũng đáng được quan tâm một cách đặc biệt.