Theo Tổng thống Putin, Nga và Ukraine đã soạn thảo một thoả thuận hoà bình vào tháng 3/2022. Tuy nhiên dưới áp lực của phương Tây, Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho nỗ lực này. Tổng thống Putin đồng thời nhấn mạnh, Nga sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán nhưng phương Tây phải ngừng cung cấp vũ khí.
Ukraine khai hỏa lựu pháo D-30 vào các đơn vị của Nga gần Bahmut ngày 6/5/2023. Ảnh: Reuters
“Tôi đã nói hàng nghìn lần rằng, Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán có thể dẫn đến một giải pháp hoà bình. Hơn nữa, trong các cuộc đàm phán tại Istanbul, chúng tôi đã khởi xướng một tài liệu như vậy. Chìa khoá để giải quyết vấn đề nằm ở phía phương Tây. Nếu thực sự muốn xung đột được giải quyết thông qua đàm phán thì họ chỉ cần đưa ra một quyết định duy nhất là ngừng cung cấp vũ khí”, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh NATO đang tổ chức cuộc tập trận không quân lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh, với sự tham gia của 25 trên tổng số 31 quốc gia thành viên. Cuộc tập trận được lên kế hoạch từ năm 2018 và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra hồi đầu năm ngoái.
Sau 30 năm ngân sách quân sự bị thu hẹp, sức mạnh không quân đã trở thành một điểm yếu đối với NATO. Tuy nhiên cuộc xung đột tại Ukraine đã buộc liên minh quân sự phải đánh giá lại các chiến lược của mình. Coi Ukraine là tuyến phòng thủ đầu tiên của châu Âu nhằm đối phó với ảnh hưởng của Nga, NATO đã không ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine từ huấn luyện đến cung cấp xe tăng tiên tiến và máy bay chiến đấu.
Tại cuộc gặp diễn ra hôm qua với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà trắng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius vào tháng 7 tới, chúng tôi sẽ đồng ý duy trì và tăng cường hỗ trợ cho Ucraina, tăng cường hơn nữa khả năng răn đe, bao gồm một cam kết đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng. Và tôi hy vọng các đồng minh của chúng ta đều đồng ý rằng 2% GDP cho quốc phòng phải là mức tối thiểu phải đầu tư vào an ninh chung.”
Việc phương Tây gia tăng hỗ trợ quân sự cho Ukraine có nguy cơ thổi bùng hơn nữa ngọn lửa căng thẳng khi Nga xác định, Mỹ và NATO đang là các bên trong cuộc xung đột. Trong nỗ lực thúc đẩy hoà bình, Liên Hợp Quốc những tháng vừa qua đã tăng cường ngoại giao con thoi nhằm cứu vãn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán xa hơn. Trong khi đó, một phái đoàn gồm đại diện từ 6 quốc gia châu Phi sắp tới Nga để trình bày sáng kiến nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Với lập trường trung lập được thể hiện trong suốt hơn 1 năm qua, vai trò hòa giải của châu Phi và cũng là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của cuộc xung đột được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả./.