Cần trở về nguyên trạng
Hồi đầu tháng 4/2016, giao tranh gữa quân đội Azerbaijan – Armenia nổ ra tại khu vực tranh chấp - Cộng hòa không được công nhận Nagorno-Karabakh (NKR).
Tờ Expert Online (Nga) viết, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã dự tính chiến dịch này không phải để xâm chiếm lãnh thổ NKR mà nhằm vào một loạt các cuộc biểu tình chính trị.
Hiện mục tiêu này đã được thực hiện, do vậy các nhà chức trách Azerbaijan quyết định tuyên bố ngừng chiến. Người đứng đầu cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Azerbaijan Vagif Dyargahly thông báo:
“Đáp lại lời kêu gọi của các tổ chức quốc tế, Azerbaijan đã quyết định đơn phương chấm dứt mọi hoạt động quân sự trả đũa, đồng thời sẽ tìm cách củng cố các khu vực mới được giải phóng”.
Tuy nhiên, Yerevan Stepanakert (thủ đô của Nagorno-Karabakh) bác bỏ tuyên bố này. Hiện các cuộc giao tranh vẫn đang tiếp diễn.
Và, rất có thể, chiến sự sẽ tiếp tục chừng nào quân đội NKR chưa giành lại được phần lãnh thổ nhỏ bị Azerbaijan chiếm đóng hôm 2/4. Đối với Armenia, sự kiện này lại mang tính nguyên tắc.
Nếu vùng lãnh thổ của NKR nằm dưới quyền kiểm soát của Baku thì sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu về sau. Ai đó trong bộ máy lãnh đạo Azerbaijan có thể đã nói rằng, có giải pháp quân sự ẩn trong sự kiện xung đột tại Karabakh.
Điều đó đã khiến các cuộc giao tranh trở nên nghiêm trọng và ác liệt hơn
Lẽ tất nhiên Azerbaijan được đề nghị tự nguyện trao trả vùng đất chiếm đóng cho NKR: cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng NKR tuyên bố sẵn sàng gặp gỡ và thảo luận đề xuất đưa thỏa thuận ngừng bắn về nguyên trạng như ban đầu.
Nhưng để thực hiện được việc đó không hề dễ dàng – việc chiếm giữ một số làng mạc trong quá trình giao tranh, sau đó là sự “đầu hàng” của Karabakh có thể đã nằm trong dự tính của ông Aliyev.
Nhưng dẫu sao việc phục hồi nguyên trạng như ban đầu sẽ được thực hiện bởi các biện pháp quân sự.
Xung đột Karabakh.
Hậu quả chính trị lớn
Sau khi kết thúc chiến sự Nga sẽ phải đối phó với một loạt hậu quả chính trị do cuộc xung đột Karabakh mang lại. Cả Baku và Yerevan cũng thế.
Dĩ nhiên Armenia sẽ một lần nữa yêu cầu Kremlin hạn chế bán vũ khí ở mức thấp nhất cho Baku. “Mỗi một phát súng từ phía Azerbaijan sẽ đánh vào lương tâm của đối tác chiến lược của chúng ta – LB Nga” – chính trị gia người Armenia Ruben Mehrabyan bức xúc lên tiếng, đồng thời tin rằng “có thể tránh được xung đột nếu không có các giao dịch buôn bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD giữa Nga và Azerbaijan”.
Và Moscow sẽ phải thể hiện sức mạnh chính trị bằng cách từ chối yêu cầu đúng đắn này. Vấn đề không chỉ là “hàng tỷ” USD lợi nhuận Nga có được từ việc bán vũ khí cho Baku mà ở chỗ Kremlin đang cố gắng tiến xa hơn vị thế chính trị hiện nay của mình.
Tờ Expert Online nhận định, một trong những mục tiêu của những người gây ra sự kiện này (cả bên trong và ngoài Azerbaijan) là buộc Moscow phải từ bỏ nỗ lực để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai bên tham gia xung đột Karabakh và từ bỏ (đứng về phía) Armenia, đồng minh của Nga trong Tổ chức An ninh tập thể (CSTO) và Liên minh kinh tế Á – Âu mà không cần bắt đầu cuộc chiến tranh toàn diện.
Nhưng động thái này sẽ gây ảnh hưởng đáng kể cho vị thế của Nga và sẽ rất khó để tránh được tình trạng chiến tranh toàn diện ở Nagorno-Karabakh và sự can thiệp của Nga vào sự kiện này giống như kịch bản ở Ossetia.
Đó là lý do tại sao Kremlin nên tránh những bước đi đột ngột, bao gồm cả việc tiếp tục hợp tác mua bán vũ khí với Baku – hành động biểu trưng cho mối quan hệ Nga-Azerbaijan và quan điểm chính trị trung lập của Moscow.
Đối tác Armenia cũng cần hiểu những chân lý cơ bản sau: họ tiêu diệt các tay súng chứ không phải hủy diệt vũ khí; việc Moscow từ chối chuyển giao vũ khí cho Baku không dẫn tới việc nước này từ bỏ các hành vi khiêu khích vũ trang, mà họ sẽ mua vũ khí từ các nước khác như Belarus, Ukraine hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Giao tranh dữ dội.
Giới tuyến đỏ cho ông Aliyev
Đồng thời Moscow cần tích cực làm việc với các nhà chức trách Azerbaijan, thuyết phục hoặc buộc Tổng thống Ilham Aliyev phải cư xử đúng mực và không vượt qua giới tuyến đỏ (là khu vực giới tuyến ông Aliyev được phép “thả hơi nóng” bằng các vụ pháo kích vào NKR nhưng không được xâm chiếm lãnh thổ nước này).
Đương nhiên, điện Kremlin không cần phải thực hiện các điều khoản của kẻ đe dọa, không cần phải thông qua các nhượng bộ theo mong muốn của ông Aliyev trong quá trình đàm phán.
Có thể phải sử dụng quân bài vũ khí, ví dụ như ràng buộc việc cung cấp một số loại vũ khí với hành động từ chối các can thiệp quân sự quy mô lớn ở Karabakh của Tổng thống Azerbaijan
Cũng không loại trừ khả năng các đối tác nước ngoài sẽ hỗ trợ Moscow trong việc cảnh tỉnh Baku. Một số nhà lãnh đạo các quốc gia đã nêu lên tiếng đề xuất ngừng chiến tại Karabakh.
Tất nhiên họ không buộc tội Azerbaijan leo thang tình hình, nhưng nhận định của Ngoại trưởng Mỹ rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Karabakh là nhắm vào Baku.
Thực tế hiện tại một cuộc chiến tranh toàn diện tại NKR là không cần thiết đối với bất kỳ lực lượng bên ngoài hay quốc gia hàng đầu nào trong khu vực (ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ vì chính sách ngoại giao của nước này).
Và có lẽ một số con “diều hâu” phương Tây và Ukraine thích ý tưởng về sự can thiệp của Nga trong cuộc xung đột Karabakh.
Tuy nhiên cái giá của hành động này (sự can thiệp của Nga) sẽ là sự thất bại của quân đội Azerbaijan, vị thế của Nga tại vùng Caucasus được củng cố cùng với sự sụp đổ của mọi dự án vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan không qua lãnh thổ Nga (vì nếu chiến tranh toàn diện xảy ra, Armenia sẽ tấn công các đường ống dẫn khí của Azerbaijan).
Và cuối cùng, Nga còn phải đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Theo thông tin sơ bộ Ankara không chỉ ủng hộ Baku về mặt ngoại giao mà còn trợ giúp quân sự cho lực lượng quân đội nước này đang chiến đấu tại Karabakh.
Ông Erdogan nên hiểu rõ, những nỗ lực nhằm khuấy động cuộc xung đột tại NKR sẽ làm đầy thêm những vấn đề nghiêm trọng trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, ví dụ như hành động trợ giúp người Kurd (của Moscow).
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.