Trong một kế hoạch xây dựng lực lượng quân sự được cho là lớn nhất của NATO dọc biên giới Nga kể từ Chiến tranh Lạnh, phương Tây thông báo tăng quân đến Đông Âu.
Về phần mình, Nga quyết định triển khai tàu trang bị tên lửa tầm xa đến Biển Baltic và gần Syria.
NATO tăng quân
Tại các phiên họp kéo dài trong hai ngày 26-27.10, NATO hối thúc các nước trong liên minh đóng góp vào quá trình xây dựng lực lượng lớn nhất của khối này ở biên giới với Nga. NATO có kế hoạch thành lập 4 nhóm chiến đấu với tổng cộng khoảng 4.000 quân bắt đầu từ đầu năm tới.
Các nhóm chiến đấu này sẽ được hỗ trợ bởi lực lượng phản ứng nhanh và mạnh của NATO gồm 40.000 quân, và nếu cần thiết có thể luân phiên bổ sung thêm quân vào các nước Baltic và Ba Lan nếu có bất kỳ cuộc xung đột tiềm năng nào.
Kế hoạch của NATO nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nước trong liên minh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter công bố "lực lượng đặc nhiệm sẵn sàng chiến đấu" gồm 900 binh sĩ sẽ được điều đến phía đông Ba Lan vào tháng 6.2017, lực lượng riêng biệt khác được trang bị xe tăng và vũ khí hạng nặng sẽ bố trí luân phiên khắp Đông Âu.
330 lính thủy quân lục chiến Mỹ sẽ luân phiên đến đồn trú ở miền trung Na Uy, cách biên giới Na Uy - Nga ở vùng Bắc Cực 1.000 km.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon tuyên bố sẽ phái một tiểu đoàn 800 quân hùng mạnh đến Estonia bắt đầu từ tháng 5 năm tới, dưới sự hỗ trợ của quân đội Pháp và Đan Mạch. Ngoài ra, Anh cũng sẽ điều chiến đấu cơ Typhoon đến Romania để tuần tra xung quanh Biển Đen và đồng thời một phần hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.
"Mặc dù chúng tôi sắp rời EU, nhưng chúng tôi sẽ làm nhiều hơn để giúp đảm bảo an ninh ở sườn đông và nam của NATO" - Reuters dẫn lời ông Fallon cho hay.
Các đồng minh khác cũng không đứng ngoài cuộc. Canada tuyên bố phái 450 quân đến Latvia, Italia 140 binh sĩ, Đức điều 400-600 lính đến Lithuania. Bên cạnh đó, Hà Lan, Na Uy, Bỉ, Croatia và Luxembourg cũng đóng góp quân của riêng mình.
Nga phản pháo
Trong khi đó, theo NATO, Nga đã cử tất cả các tàu của Hạm đội Biển Bắc và một phần Hạm đội Baltic tới tăng cường cho hoạt động ở Syria. Chiến hạm Nga được trang bị tên lửa hành trình cũng đã vào biển Baltic giữa Thuỵ Điển và Đan Mạch.
Những tàu này nằm trong nhóm tàu sân bay chiến đấu gồm 8 chiếc, trong đó có hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga là Đô đốc Kuznetsov, sẽ gia nhập cùng khoảng 10 tàu khác đã ở ngoài khơi Syria.
Cùng với tên lửa Kalibr được trang bị trên tàu, phạm vi tấn công của không chỉ Hạm đội Baltic mà cả của lực lượng Nga trong toàn khu vực sẽ tăng gấp 5 lần - Ben Nimmo, một nhà phân tích quốc phòng thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nhận định.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, các chiến hạm Nga đang trên đường đến Syria có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào dân thường ở thành phố đang bị bao vây Aleppo và tiến hành thêm nhiều cuộc không kích. Tuy nhiên, ngày 27.10, Bộ Ngoại giao Nga phản pháo, gọi cáo buộc này là vô lý.
"Những lo ngại của NATO không có cơ sở, vì máy bay của chúng tôi đã không hoạt động ở Aleppo trong 9 ngày qua. Nhóm tàu chiến đấu của chúng tôi đang ở Địa Trung Hải và luôn hiện diện ở đó. Tại sao lại đưa ra những cáo buộc sai sự thật và gắn chính trị vào đó?" - ông Andrei Kelin, quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Nga nói với RIA Novosti.
Căng thẳng Nga-NATO bắt đầu gia tăng trở lại kể từ khi Nga sáp nhập Crưm và phương Tây quyết định áp đặt trừng phạt trả đũa Nga. Quan hệ ấy ngày càng xấu đi, nhất là sau khi Mỹ cáo buộc Nga tấn công mạng, can thiệp vào bầu cử, cắt đứt đàm phán với Nga về lệnh ngừng bắn ở Syria.
Nhưng những kế hoạch tăng quân và triển khai vũ khí nói trên mới đại diện cho sự theo thang quân sự lớn nhất ở Đông Âu và Syria kể từ thời đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, đồng thời là mối đe doạ nhãn tiền của một cuộc đối đầu vũ trang giữa Nga và NATO, cũng như giữa Mátxcơva và Washington - hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Dù là các điểm nóng xuất hiện ở Đông Âu hay Syria, thì thế giới đã bắt đầu lo ngại về một cuộc chiến tranh thế giới lần 3 có thể xảy ra nếu hai bên không tìm cách hạ nhiệt.