Sau hai ngày xét xử, sáng 22/12, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Thị Nguyệt (37 tuổi, trú quận Tây Hồ) mức án 7 năm 6 tháng tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới . Chồng của Nguyệt là bị cáo Phạm Anh Tuấn (38 tuổi) lĩnh 5 năm tù.
HĐXX xác định Nguyệt là người chủ mưu khởi xướng, trực tiếp điều hành mạng lưới vận chuyển tiền tệ nêu trên, thu lợi bất chính số tiền trên 25 tỷ đồng nên có vai trò cao nhất, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc để có tính răn đe. Tuấn là người trợ giúp Nguyệt trong quá trình phạm tội, tham gia điều hành mạng lưới chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, hưởng lợi trên 6 tỷ đồng nên giữ vai trò cao thứ hai trong vụ án.
Cùng tội nêu trên, nhóm đồng phạm với vợ chồng Nguyệt gồm: Phạm Hữu Thuật (SN 1981, Quảng Ninh, bạn hàng của Nguyệt) bị phạt 30 tháng tù; Nguyễn Văn Thắng (SN 1985, Hà Nội, em trai của Nguyệt) 4 năm tù; Nguyễn Thị Nga (SN 1988, Hà Nội, vợ của Thắng) 3,5 năm tù; Nguyễn Thị Hà (SN 1979, Hà Nội, chị dâu của Nguyệt) lĩnh 3 năm tù treo; Nguyễn Văn Thực (SN 1979, Hà Nội, anh trai của Nguyệt) lĩnh 30 tháng tù; Phạm Việt Hùng (SN 1991, Hà Nội, em chồng của Nguyệt) 27 tháng tù; Nguyễn Xuân Tươi (SN 1969, Hải Dương, cậu của chồng Nguyệt) 30 tháng tù treo, Nguyễn Văn Việt (SN 1998, con bị cáo Tươi) nhận án 27 tháng tù; Nguyễn Thị Thúy (SN 1974, Hà Nội, chị gái của Nguyệt) bị phạt 30 tháng tù treo; Nguyễn Minh Khang (SN 1995, Hà Nội, lao động tự do) 27 tháng tù.
Riêng ông Phạm Hồng Hạo (SN 1967, Hà Nam) đã mất nên TAND TP Hà Nội đình chỉ xét xử.
Bị cáo Nguyễn Thị Nguyệt.
Theo cáo buộc, từ năm 2016 - 2020, Nguyễn Thị Nguyệt giữ vai trò chủ mưu, cùng chồng và đồng phạm hợp thức các hồ sơ tạm nhập tái xuất, nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài. Nguyệt đã mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của bị cáo Phạm Hữu Thuật để hợp thức việc chuyển tiền trái phép ra nước ngoài thông qua pháp nhân 2 công ty.
Năm 2017, biết các thủ đoạn, cách thức chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Nguyệt cùng chồng mượn chứng minh nhân dân của người thân trong gia đình để thành lập 8 công ty để chuyển tiền ra nước ngoài.
Để hợp thức các hợp đồng mua hàng tạm nhập, tái xuất, Nguyệt chỉ đạo em trai là Nguyễn Văn Thắng mua linh kiện điện tử (IC) từ Trung Quốc, đóng thành 12 thùng để chuyển sang Singapore, rồi từ Singapore về Việt Nam, sau đó vận chuyển quay vòng. Quá trình thực hiện có sự trợ giúp của Vũ Thị Thư và Nguyễn Văn Thực.
Sau khi nhận được hàng, Nguyệt chỉ đạo Phạm Việt Hùng mở tờ khai hải quan online theo hợp đồng tạm nhập, tái xuất, lập phụ lục hợp đồng chuyển cho ngân hàng. Nguyệt giao Nguyễn Minh Khang, Nguyễn Văn Việt rút tiền, nộp tiền, chuyển tiền và giao cho Nguyễn Thị Nga quản lý, theo dõi dòng tiền.
Nguyệt giao Nguyễn Thị Hà lập các hợp đồng kinh tế khống, ký giả tên giám đốc các công ty nước ngoài, lập khống hợp đồng tạm nhập, tái xuất, sử dụng con dấu công ty nước ngoài để đóng lên các hợp đồng. Nguyệt và Tuấn thỏa thuận với khách hàng về tỷ giá ngoại tệ và phí chuyển tiền. Bằng thủ đoạn này, Nguyệt và đồng bọn đã chuyển trái phép ra nước ngoài tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng, hưởng lợi 0,1% trên mỗi giao dịch.
Nhóm bị cáo tại tòa.
Tại tòa, Nguyệt thừa nhận mọi hành vi như cáo trạng quy kết và tôn trọng kết quả điều tra của công an. Nguyệt khai, mọi quy trình vận chuyển tiền ra nước ngoài đều tự nghĩ ra chứ không phải ai hỗ trợ hoặc "bày cách".
Nguyệt nói, điều bị cáo cảm thấy ân hận nhất là "cái giá phải trả quá đắt" và đã lôi kéo nhiều người thân trong gia đình vướng lao lý.
Chủ tọa nghe Nguyệt khai đã đánh giá “đầu óc của bị cáo cũng ghê gớm, nghĩ ra cả cái quy trình mà đến công an cũng không lường trước được".
Về quy trình chuyển tiền, Nguyệt cho hay, người thuê sẽ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Nguyệt và những người khác. Bị cáo sau đó dùng tiền này ra ngân hàng mua ngoại tệ, sau đó "nhờ" luôn nhân viên các ngân hàng chuyển tiền vào các số tài khoản ở nước ngoài do Nguyệt chỉ định.
Ngoài thông qua ngân hàng, Nguyệt khai còn nhờ một số người ở các tiệm vàng trên chợ Hà Trung, Hà Nội chuyển tiền hộ. Nguyệt chỉ cần đưa số tài khoản, còn việc chuyển ngoại tệ do những người khác lo.
Theo cáo trạng, trong nhóm nhân viên ngân hàng liên quan đường dây chuyển tiền này và đã bị xử lý trong hai vụ án khác. Đáng chú ý có Phạm Thị Minh Ngân, nhân viên Ngân hàng MB Bank nhận thực hiện thanh toán quốc tế cho 6 công ty do Nguyệt thành lập.
Vì Ngân là nhân viên Ngân hàng MB Bank, nên Công an Hà Nội đã tách hồ sơ liên quan đến hành vi của Ngân đến Cục điều tra hình sự- Bộ Quốc Phòng giải quyết theo thẩm quyền.
Cơ quan điều tra xác định, các đối tượng liên quan chuyển tiền cho Nguyễn Thị Nguyệt là một số chủ doanh nghiệp, trong đó có chủ nhiều tiệm vàng ở phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), và chủ doanh nghiệp ở TP HCM. Với nhóm đối tượng này, CQĐT cũng tách tài liệu để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý sau.