Tại phiên xét hỏi chiều 21/12, HĐXX TAND Hà Nội thẩm vấn đối với bị cáo Hoàng Thị Thuý Nga - cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC.
Đề cập về cuộc gặp với cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành, bà Nga trình bày trước khi tham dự các gói thầu, bị cáo cùng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một số người khác đã gặp các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.
"Khi đến cuối buổi gặp, chị Nhàn nói bị cáo đi ra để chị gặp riêng các anh", bà Nga khai.
Cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC khai thêm, trong thời gian thực hiện các công việc về gói thầu ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bị cáo cùng bà Nhàn gặp ông Trần Đình Thành nhiều lần.
"Bị cáo không biết mối quan hệ giữa chị Nhàn và ông Thành có từ bao giờ nhưng rất thân thiện", nữ bị cáo khai nhận.
Các bị cáo tại phiên toà ngày 21/12.
Theo bị cáo Nga, khi gặp lãnh đạo Đồng Nai, bị cáo phụ trách địa bàn nên sẽ giới thiệu các sản phẩm của AIC đang có, báo cáo những việc mà AIC triển khai được. Còn các nội dung khác, trong đó có việc đề nghị địa phương tạo điều kiện giúp đỡ AIC, thì bị cáo Nga không trực tiếp nghe.
Ngoài ông Thành, bà Hoàng Thị Thúy Nga khai bị cáo còn gặp ông Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, giám đốc Sở Y tế tỉnh này). Lúc đó, Công ty AIC đã trúng thầu, nên bị cáo gặp ông Vũ để thương thảo về hợp đồng. Bà Nga thừa nhận quá trình tham gia 16 gói thầu, bị cáo và nhân viên đã dự và trúng 12 gói. Theo phân công, bị cáo thương thảo, ký 12 gói thầu này rồi thực hiện các hợp đồng đó.
HĐXX cũng thẩm vấn bị váo Nga về "quy trình 70 bước" mà Công ty AIC vẽ lên nhằm gian lận thông thầu. Tuy nhiên, bà Nga khai bản thân không biết đến quy trình này. Thực chất, quy trình này không phải của Công ty AIC, mà do bị cáo Hoàng Thế Quỳnh (nhân viên công ty) soạn ra.
Tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nga trình bày khi tham gia các gói thầu, bị cáo được lãnh đạo công ty phân công phụ trách tại khu vực phía Nam, trong đó có Đồng Nai.
Khi mời thầu, bị cáo cùng nhân viên tham gia các gói thầu với quy trình như sau: Sau khi chủ đầu tư thông báo mời thầu, nhân viên AIC sẽ mua hồ sơ và thực hiện các công việc cho việc dự thầu.
Trước khi tham dự, bà Nga cùng nhân viên sẽ đánh giá về các điều kiện tham gia gói thầu, năng lực và hồ sơ AIC có đáp ứng được không. Nếu đáp ứng được, mới làm hồ sơ dự thầu. Sau đó, bị cáo thực hiện theo ủy quyền của tổng giám đốc.
Ngay sau lời phủ nhận của Nga, chủ toạ đã thẩm vấn một số các bị cáo là nhân viên, cựu lãnh đạo của Công ty AIC về "quy trình 70 bước".
Tất cả bị cáo được hỏi đều nói biết về quy trình 70 bước là của AIC. Thời điểm làm tại AIC, họ được thông tin về quy trình này. Bản thân nhóm nhân viên làm hồ sơ dự thầu, đấu thầu đều làm theo chỉ đạo của Nga.
Bị cáo Nguyễn Tấn Sỹ cho biết, trong quá trình làm việc tại TCI (công ty con của AIC), bị cáo có đọc qua quy trình 70 bước nhưng không nhớ rõ các bước, chỉ hiểu đây là quy trình hướng dẫn triển khai một dự án.
Tương tự, bị cáo Lê Chí Tuân (trưởng nhóm hồ sơ Ban quản lý dự án 1) khẳng định đã từng nghe quy trình về quy trình 70 bước nhưng bị cáo không nhớ nội dung.
Theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC. Trong quá trình phát triển "đế chế" này, bà Nhàn đã xây dựng và yêu cầu lãnh đạo, nhân viên AIC phải làm theo "quy trình 70 bước thực hiện dự án thiết bị không có xây dựng".
Quy trình này là các thủ đoạn, chiêu trò làm xiếc thông thầu, gian lận trong đấu thầu trái quy định pháp luật nhằm đảm bảo cho AIC trúng các gói thầu.
Quy trình này gồm các bước để đối phó với các quy định đấu thầu hoặc bắt tay, đi cửa sau thông thầu. Cụ thể tại bước thứ 14, với quy định về thẩm tra danh mục thiết bị và dự toán thì "quy trình 70 bước" đưa ra hướng giải quyết là gửi thẳng cho chủ đầu tư danh mục và dự toán.
Tại bước thứ 19, với quy định phải thẩm định giá thì bà Nhàn ngang nhiên "làm việc với đơn vị thẩm định giá ra kết quả như mong muốn". Thậm chí, trong các bước khác của bộ quy trình này còn đưa ra đủ trò làm xiếc lập "quân xanh quân đỏ" đưa vào đấu thầu, phù phép các hồ sơ, báo cáo tài chính...
Viện Kiểm sát cáo buộc việc thực hiện quy trình nêu trên để liên hệ, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thẩm định giá và các công ty "quân xanh" nhằm đảm bảo cho Công ty AIC dự thầu và trúng thầu.
Bà Nhàn còn thành lập và trực tiếp điều hành các "ban nội bộ", giao những người thân tín của mình phụ trách để thực hiện việc điều chuyển tiền thu lợi bất chính và hợp thức hóa tài liệu, chứng từ để chi ngoài sổ sách cho các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ đầu tư theo "cơ chế" do bà Nhàn đặt ra.
Trong vụ án, bà Nga là người giữ vai trò giúp sức tích cực cho cựu Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Hành vi của bà Nga thể hiện qua những cáo buộc như nhiều lần cùng bà Nhàn gặp gỡ, tiếp xúc với các ông Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái (2 cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh Đồng Nai) đặt vấn đề chỉ đạo tạo điều kiện cho AIC trúng thầu trái pháp luật; chỉ đạo nhân viên thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư... tạo điều kiện cho AIC trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại hơn 148 tỷ đồng.