Theo Reuters ngày 19.2, dù sự ''phẫn nộ'' với Nga đã ở mức rất cao tại Hội thảo an ninh Munich (Đức) vào cuối tuần qua, các nhà ngoại giao và quan chức phương Tây thừa nhận từ vấn đề Đông Ukraine, CHDCND Triều Tiên, cho đến vị thế quyền lực hạt nhân của Nga cùng việc Nga can thiệp quân sự vào nội chiến Syria, quyền phủ quyết của Moscow ở Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC)... đều có ảnh hưởng của Nga, điều này đồng nghĩa bất kỳ đường lối ngoại giao nào cũng phải có Nga tham gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke Jensen nói: "Chúng tôi không thể tìm ra một giải pháp chính trị nào nếu không có Nga. Chúng tôi cần đạt đến điểm mà chúng tôi có thể làm việc để tìm ra một giải pháp chính trị, và Nga phải ở vị trí trung tâm".
Ít ra là ngoài mặt, các quan chức phương Tây dự Hội thảo an ninh Munich đều xem Nga là "kẻ xấu" can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cùng vụ Nga sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014.
Với phương Tây, đó là một sự đoàn kết, đánh dấu sự thay đổi sau thời gian Mỹ và châu Âu hục hặc với nhau, vì chương trình "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, những tuyên bố mâu thuẫn của ông về NATO và Liên hiệp châu Âu (EU), việc ông rút Mỹ khỏi Hiệp ước chống biến đổi khí hậu Paris 2015 và việc ông không miễn cưỡng công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận giải trừ hạt nhân 2015.
Tại Hội thảo an ninh Munich - cuộc gặp hằng năm giữa các quan chức an ninh Mỹ và châu Âu cùng một số nhà ngoại giao Nga, các nhà vạch chính sách Mỹ thể hiện rõ thái độ khó chịu với việc Nga bác bỏ những cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (DNI) Dan Coats nói về sự hiện diện của Nga ở hội nghị này: "Tôi bị bất ngờ... Nga hằng năm cử người đến đây để phủ nhận mọi sự thật". Nhưng tại hậu trường, các nhà ngoại giao có giọng điệu khác, khi các quan chức cấp cao, trong đó có Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Thượng nghị sĩ Nga Aleksey Pushkov nói có nhiều cuộc tiếp xúc gồm Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel để giải quyết nội chiến Syria. Ông nói: "Đang có một mạng lưới ngoại giao làm việc. Nếu sử dụng hiệu quả thì có thể ngăn chặn những cuộc xung đột lớn".
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã có nhiều cuộc gặp người đồng nhiệm Nga, đề cập khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt kinh tế Nga (với cớ Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng Đông Ukraine). Ông nói Nga là đối tác "cần có" trong những nỗ lực toàn cầu ngăn chặn bùng phát vũ khí hạt nhân.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (thời Tổng thống Barack Obama) nói phương Tây cần cùng Nga giải quyết các vấn đề của thế giới bằng hướng ngoại giao.
Một phần thách thức của phương Tây chính là những cuộc khủng hoảng quốc tế có nhiều bên tham gia. Ở cuộc nội chiến Syria, Nga đứng cùng bên với Iran - kình địch của Israel, và ở nội chiến Đông Ukraine, Nga ủng hộ phe ly khai, khiến NATO khó chịu.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên NATO) đang muốn hoàn tất hợp đồng vũ khí để mua hệ thống phòng không của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ được Nga ủng hộ, cũng đang đánh lực lượng Syria tự do (SDF) của người Kurd ở Bắc Syria, được Mỹ chống lưng.
Tại châu Á, nỗ lực ngăn chặn Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân của Mỹ phần nào lệ thuộc vào việc Nga có sẵn sàng cấm vận xăng dầu đối với Bình Nhưỡng hay không. Cho đến nay, Nga bác bỏ những cáo buộc của Mỹ và EU rằng Nga vẫn xuất xăng dầu cho Triều Tiên ngay trên biển.