Nga khôi phục tên lửa Utes ở Crimea: NATO khiếp sợ?

Trung Dũng |

Nga đang củng cố hệ thống vòng cung từ Crimea tới Kaliningrad tạo thành nỗi khiếp sợ đối với NATO cũng như tăng cường bảo vệ đất nước.

Hệ thống tên lửa Utes sẵn sàng

Hãng tin RIA Novosti dẫn một nguồn tin thực thi pháp luật Crimea cho biết, Nga đã khôi phục khả năng sẵn sàng chiến đấu của 2 hệ thống tên lửa Utes phóng từ hầm phóng đặt ở ven biển bán đảo này.

Nguồn tin trên xác nhận thông qua một số vụ phóng thử thành công tên lửa hành trình P-35. Hiện nay Hạm đội Biển đen Hải quân Nga đang sử dụng 2 hệ thống tên lửa cùng loại, mỗi hệ thống có 2 hầm phóng tên lửa.

Theo các số liệu được công bố, hệ thống tên lửa Utes sử dụng tên lửa hành trình P-35 có thể tấn công mọi mục tiêu ở khoảng cách lên đến 300 km. Đây là loại tên lửa có đầu nổ công phá lớn, có thể phá hủy được các loại tàu chiến có lượng giãn nước lên tới 20.000 tấn.

Nga khôi phục tên lửa Utes ở Crimea: NATO khiếp sợ?  - Ảnh 1.

2 hệ thống tên lửa Utes phóng từ hầm phóng đặt ở ven biển Crimea của Nga được khôi phục

Trước đó, ngày 1/11, hãng tin Reuters đưa tin Nga đã cho tân trang những cơ sở quân sự cũ và xây dựng các cơ sở mới tại Crimea - một bán đảo có vị trí chiến lược tại vùng Biển Đen.

“Các boongke chứa tên lửa nằm dọc theo bờ biển phía nam Crimea được gọi là Object 100, tàn dư của Chiến tranh Lạnh Xô - Mỹ, đang được phục hồi và nơi đây trở thành vùng cấm của Bộ Quốc phòng Nga”, nguồn tin cho hay.

Tuy nhiên, theo tờ báo Anh thì tân trang các lô cốt chỉ là một phần nhỏ của chương trình quân sự mới của Nga tại bán đảo Crimea.

Reuters cho biết Moskva đang xây dựng các căn cứ quân sự hiện đại đảm bảo cho việc đồn trú của quân đội Nga, phục vụ chiến lược của nước này trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới Nga - phương Tây.

Chia sẻ với giới truyền thông, người dân tại Simferopol cho biết hiện binh sĩ Nga đã được điều động đến đây và chặn hết lối vào.

“Đây là một căn cứ quân sự vẫn còn hoạt động với hệ thống tên lửa chống hạm”, một người dân địa phương từng được vào boongke tiết lộ.

Giới phân sự đồn đoán, Nga đang trong quá trình khôi phục lại các cơ sở quân sự sử dụng từ thời Xô viết, xây dựng căn cứ mới và điều động binh lính đến Crimea. Đến nay đã có 18 địa điểm được khởi tạo, bao gồm các căn cứ hải quân, trạm radar và đường băng quân sự.

Củng cố vòng cung Crimea - Kaliningrad?

Cùng với việc đưa các vũ khí hiện đại, xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự, thời gian vừa qua Nga cũng tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực từ Crimea đến Kaliningrad.

Thực tế Kaliningrad, vùng lãnh thổ nằm giữa 2 quốc gia Ba Lan và Lithuania có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đối với Nga cũng như khối quân sự NATO.

Trong một thông báo phát đi hôm 17/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng không quân và hải quân nước này đã bắt đầu các cuộc diễn tập chiến thuật trên biển Baltic.

Cuộc tập trận đã huy động nhiều khí tài quân sự thuộc Hạm đội Baltic đóng tại khu vực Kaliningrad, trong đó có 10 trực thăng tấn công Mi-24, trực thăng vận tải quân sự Mi-8 cùng một số trực thăng săn ngầm Ka-27.

Trong năm 2014, quân đội Nga đã tiến hành liên tiếp gần 10 cuộc tập trận quy mô lớn tại Kaliningrad. Trong năm 2015, sự hiện diện của Moskva tại khu vực này tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh với NATO và phương Tây.

Theo Moscow Times, trong nhiều năm qua, điện Kremlin đã sử dụng Kaliningrad để khiêu khích và cảnh cáo phương Tây.

Hồi năm 2013, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã khiển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M tới Kaliningrad, đặt Ba Lan và các quốc gia Baltic vào tình trạng báo động cao. Tuy nhiên, tổng thống Putin sau đó đã bác bỏ tuyên bố này.

Trước đó, năm 2008, Nga cũng đe doạ triển khai tên lửa tầm ngắn tới Kaliningrad nếu Mỹ thực hiện kế hoạch xây dựng căn cứ phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Séc.

Nhà khoa học chính trị Vladimir Abramov, người chuyên nghiên cứu vùng lãnh thổ tách rời tại châu Âu này của Nga nói rằng: 

“Phương Tây coi Kaliningrad là một khẩu súng hạt nhân tại trung tâm châu Âu. Song trên thực tế, không có vũ khí hạt nhân nào ở đó. Lithuania lo sợ Nga, và gián tiếp là Kaliningrad, sẽ huy động dân cư của mình. Mọi việc vẫn vậy kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ”.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết London lo ngại việc Nga tăng cường quân sự ở Crimea và quân sự hóa khu vực Biển Đen là mối đe dọa lớn nhất với NATO.

Với NATO thì Crimea bây giờ trở thành lãnh thổ gần nhất giúp Nga kiểm soát hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa quốc tế của Hoa Kỳ đặt tại đông Âu mà dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm 2018. Như vậy là từ Crimea Nga có thể kiểm soát các thành viên NATO tại Đông Âu như Romania, Bulgaria, Ba Lan và cả Thổ Nhĩ Kỳ nữa.

“Khi lực lượng vũ trang Nga chuyển đến bán đảo Crimea khiến Nga tăng cường quân sự vượt xa thời nó được đặt dưới sự kiểm soát của Kiev. 

Crimea nằm ở cuối phía nam của một hệ thống các cơ sở quân sự mới của Nga, trải dài về phía bắc trong một vòng cung qua phía tây nước Nga và kết thúc ở Kaliningrad - tiền đồn của Nga tại vùng Baltic”, Reuters phân tích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại