Nga khiến vũ khí chính xác cao của phương Tây 'vô dụng' ở Ukraine

Vũ Thanh |

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thừa nhận về thành công của Nga trong việc vô hiệu hoá các loại đạn pháo chính xác từ phương Tây.

Nga khiến vũ khí chính xác cao của phương Tây 'vô dụng' ở Ukraine- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: TASS

Thành công của Nga trong chống vũ khí chính xác của phương Tây là một thách thức chiến lược đối với Mỹ và các đồng minh. Tờ Wall Street Journal ngày 10/7 viết: Quân đội Nga không ngừng thích nghi, sử dụng khả năng tác chiến điện tử ưu việt của mình.

Điều đáng chú ý là, chẳng hạn, đạn chính xác M982 Excalibur của Mỹ đã phát huy tác dụng ngay khi chúng xuất hiện trên chiến trường Ukraine vào mùa hè năm 2022. Đạn dẫn đường bằng GPS này đã tấn công xe tăng và pháo Nga với độ chính xác cao, nhưng điều đó không duy trì được lâu.

Trong vòng vài tuần, quân đội Nga bắt đầu thích nghi, sử dụng khả năng tác chiến điện tử đáng gờm. Họ đã can thiệp vào hệ thống dẫn đường GPS và ngòi nổ, khiến đạn pháo hoặc chệch hướng, hoặc không nổ, hoặc cả hai. Theo các chỉ huy quân sự Ukraine, đến giữa năm ngoái, đạn pháo M982 Excalibur do RTX và BAE Systems phát triển về cơ bản đã trở nên vô dụng và không còn được sử dụng nữa.

Một số vũ khí khác thể hiện sự vượt trội về công nghệ của phương Tây cũng gặp phải số phận tương tự. Các biện pháp đối phó điện tử của Nga đã làm giảm đáng kể độ chính xác của tên lửa phóng loạt dẫn đường bằng GPS (GMLRS) do hệ thống HIMARS bắn ra, vũ khí được cho là đã đảo ngược thế trận có lợi cho Ukraine vào mùa hè năm 2022.

Theo các quan chức Ukraine và phương Tây, một hệ thống hoàn toàn mới là bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất do Boeing và Saab của Thụy Điển sản xuất đã thất bại hoàn toàn sau khi được đưa vào sử dụng trong những tháng gần đây, một phần là do tác chiến điện tử của Nga. Nó không còn được sử dụng ở Ukraine trong khi chờ hiệu chỉnh lại.

"Sự can thiệp của Nga đặc biệt thành công với Excalibur. Các loại đạn có độ chính xác cao khác, chẳng hạn như loại BONUS 155 mm do Pháp và Thụy Điển sản xuất, cũng trở nên kém hiệu quả hơn do sự can thiệp của Nga", tờ Wall Street Jornal lưu ý.

"Độ chính xác ngày càng kém - đây là một vấn đề lớn đối với tên lửa M31 GMLRS có đầu đạn đơn nhất, được sử dụng rất thành công vào năm 2022 để nhắm mục tiêu vào các boongke, trung tâm chỉ huy, cầu phao, kho vũ khí và thiết bị bọc thép của Nga", tờ Wall Street Jornal nhấn mạnh.

Cần lưu ý rằng một số vũ khí có độ chính xác cao khác của phương Tây, được cung cấp gần đây, đang được các lực lượng Ukraine sử dụng để tấn công các mục tiêu quan trọng của Nga. Chúng là tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất cũng như tên lửa hành trình Storm Shadow. Nhưng theo quân đội Ukraine và các chuyên gia quốc phòng phương Tây, việc Nga học cách giảm hiệu quả và tăng mức độ đánh chặn với những tên lửa này cũng chỉ là vấn đề thời gian.

William LaPlante, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm và bảo dưỡng trang thiết bị, đã thừa nhận trong những phát biểu gần đây về thành công của Nga trong việc vô hiệu hoá các loại đạn pháo chính xác. "Các lực lượng Nga đã thực sự, thực sự giỏi", ông nói.

Rob Lee, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ, cho biết: “Chúng ta phải giả định rằng việc thích ứng sẽ luôn diễn ra và phía Nga đã thích nghi với rất nhiều thứ. Vũ khí thường hiệu quả nhất ngay sau khi chúng được đưa vào sử dụng, và các đối thủ sẽ phát triển các biện pháp đối phó theo thời gian”.

Sự thành công của Nga trong các biện pháp đối phó điện tử đặt ra một vấn đề chiến lược cho Mỹ và các đồng minh.

Học thuyết quân sự phương Tây từ lâu đã dựa trên quan điểm rằng độ chính xác có thể đánh bại số đông - nghĩa là các cuộc tấn công chính xác có thể làm tê liệt đối thủ đông hơn, giảm nhu cầu chi tiêu lớn cho bộ binh, xe tăng và pháo binh.

Tuy nhiên, quan điểm đó chưa từng được thử nghiệm trong một cuộc chiến tranh lớn cho đến khi xảy ra ở Ukraine. Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc “rất ý thức” về mối đe dọa tác chiến điện tử không ngừng phát triển của Nga. Theo ông này, Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Ukraine và các đối tác trong ngành công nghiệp quốc phòng để nhanh chóng ứng phó với thách thức trên và đảm bảo rằng vũ khí có độ chính xác cao của Mỹ vẫn hoạt động hiệu quả trong chiến tranh.

Trước đó vào tháng 5 năm nay, Mỹ đã ngừng cung cấp đạn dẫn đường Excalibur cho Ukraine sau khi Kiev báo cáo hiệu quả thấp. Anna Gvozdiar, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược của Ukraine, cho biết bà thất vọng vì một số nhà sản xuất phương Tây không thể thích nghi. "Chúng tôi học nhanh hơn vì chúng tôi ở tuyến đầu, chúng tôi phải đưa ra quyết định để tồn tại", bà nói.

Nhưng nhiều vũ khí của Mỹ cung cấp cho Ukraine là những hệ thống cũ đang được quân đội Mỹ loại bỏ dần và thay thế bằng các loại hiện đại hơn và thường đắt hơn, không nhất thiết Washington phải chia sẻ với Kiev. Theo một giám đốc điều hành tại một công ty quốc phòng Mỹ, điều đó tạo ra ít động lực cho các nhà sản xuất nâng cấp các loại đạn chính xác cũ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại